Nâng giá trị hải sản sau đánh bắt

Thứ năm - 15/07/2021 22:56 554 0
Nâng giá trị hải sản sau đánh bắt
Nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý, số lượng tàu khai thác thủy, hải sản trên biển của tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển, sản lượng đánh bắt cũng tăng. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được bà con ngư dân quan tâm đầu tư đúng mức đã làm ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm.
Khâu bảo quản còn hạn chế
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Nghệ An, trên địa bàn hiện có khoảng gần 4.500 tàu, thuyền đang trực tiếp tham gia đánh bắt thủy - hải sản trên biển. Nhờ chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt, đổi mới nghề khai thác, ngư dân chịu khó bám biển dài ngày nên sản lượng hải sản ngày một tăng. Thế nhưng, công nghệ bảo quản chưa được chú trọng nên giá trị sản phẩm sau khai thác đạt thấp, tỷ lệ hao hụt cao.
Từ trước đến nay, ngư dân thường bảo quản theo cách truyền thống là ướp nước đá xay. Với cách này, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật, độ lạnh không đạt nên chất lượng giảm sút. Do thiếu kinh phí, ngư dân chưa thể trang bị hầm bảo quản tiên tiến. Mỗi chuyến biển kéo dài hơn 10 ngày, nên khi về đến bờ, hơn 60% lượng hải sản chất lượng kém, việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thấp…
Thực tế tại các kho đông hải sản phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) hay ở Quỳnh Thuận, Sơn Hải (Quỳnh Lưu), do đầu tư công nghệ cấp đông hiện đại chi phí đầu vào cao, nên chủ cơ sở cấp đông chuyển dần sang mua xe đông lạnh. Mỗi khi tàu đánh bắt về mua xong thì chở luôn đi các chợ đầu mối nhập hoặc theo đường tiểu ngạch đi Lào, Trung Quốc...
Cần tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ
Để nâng cao chất lượng hải sản, giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác, Chi cục Thủy sản, Sở Khoa học - Công nghệ đã triển khai xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bằng hầm bảo quản PU (Polyurethane). Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ - cho biết, đây là công nghệ mới, được nhiều ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng... áp dụng, đưa lại hiệu quả cao, bởi khả năng giữ lạnh tốt, chất lượng cá được đảm bảo, hao phí đá lạnh ít. Mặt khác, tuổi thọ của 1 hầm bảo quản bằng chất liệu PU có thể hơn 10 năm trong khi những hầm bảo quản bình thường 1 - 2 năm phải làm lại.
Theo ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản, việc đầu tư hầm bảo quản PU là nhu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào khai thác thủy sản. Theo đó, các tàu thuyền có thể tăng thời gian bám biển, giảm chi phí nhiên liệu mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được bảo quản đạt chuẩn, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Từ kho đông trên tàu cá cho đến trên bờ đều có thể ứng dụng, lắp đặt để mang lại giá trị cao cho hải sản sau đánh bắt. Tuy nhiên, do mức chi phí lắp đặt ban đầu quá lớn, chủ tàu cá ngư dân hay cơ sở thu mua chế biến ở Nghệ An quy mô nhỏ lẻ nên không thể kham được. Việc thay đổi công nghệ bảo quản hải sản sau đánh bắt trên tàu cá là dùng thùng PU hoặc công nghệ đá lạnh kết hợp bơm nước biển vào để cấp đông, chi phí mỗi tàu cũng khá cao khoảng từ 350 - 400 triệu nên số lượng tàu lắp đặt rất ít.
“Tỉnh Nghệ An đang nghiên cứu, tiếp cận theo hướng bổ sung chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, trong đó bao gồm cả hải sản sau đánh bắt. Hy vọng, đây là nguồn lực để ngư dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ mới để bảo quản sản phẩm”.
Nguồn - Báo công thương
 
Phòng Chế biến, TM Nông sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay9,841
  • Tháng hiện tại230,884
  • Tổng lượt truy cập8,448,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây