Nền nông nghiệp phải bước qua "lời nguyền": manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

Thứ ba - 03/08/2021 21:18 299 0
Nền nông nghiệp phải bước qua "lời nguyền": manh mún, nhỏ lẻ, tự phát
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

        Thẳng thắn và cởi mở - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ nhiều vấn đề mà ông nghiền ngẫm, trăn trở về nền nông nghiệp Việt Nam trong cuộc đối thoại với Báo Nhân Dân hằng tháng. Những câu hỏi như làm thế nào để người nông dân có thể thay đổi kịp với thời cuộc hay nền nông nghiệp sẽ "bước qua lời nguyền" như thế nào được Bộ trưởng Lê Minh Hoan luận giải và gợi mở với cách tiếp cận vừa thực tiễn vừa mới mẻ. Bộ trưởng chia sẻ:

         Có một câu hỏi của một bác nông dân làm tôi suy tư nhiều: "Người nông dân Việt Nam như tôi, thông minh và cần cù lắm, chân lấm tay bùn, một nắng hai sương mà sao không giàu có bằng nông dân các nước phát triển?". Thật ra người nông dân chúng ta đa phần đang khu biệt trong một "ốc đảo". Bà con vẫn quen với tư duy "Đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cày"; "Mỗi huyện là một pháo đài, mỗi xã là một pháo đài". Đó chính là cái bẫy. Nền nông nghiệp vẫn còn: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nền nông nghiệp vẫn có thể tăng trưởng, phát triển nhưng nếu "lời nguyền" nói trên không được giải quyết thỏa đáng thì rất khó mở ra dư địa, cơ hội phát triển mới.

        Đã nhận diện được điểm nghẽn của nền nông nghiệp nhưng làm sao để giải bài toán này? Làm sao để người nông dân vượt qua được thửa ruộng, bờ ao để cùng liên kết, cùng hợp tác, để thửa ruộng, bờ ao lớn hơn? Bởi vì khi chúng ta sản xuất càng nhỏ thì chi phí càng cao, đó là quy luật kinh tế. Tự phát thì năng suất không đồng đều, manh mún thì không thể nào cơ giới hóa nông nghiệp hay đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vì sản xuất nhỏ không có nhu cầu, động lực để thay đổi.

       Nông dân luôn mong ngóng làm sao Nhà nước tác động để giá bán bình ổn, lợi nhuận cao. Nhưng tôi cho rằng đó là câu chuyện phi thị trường. Giá đầu ra không ai quyết định được mà phải dựa vào cung cầu của thị trường. Chúng ta không phải một mình một chợ. Thị trường sẽ quyết định sản xuất, từ xưa đến giờ chúng ta sản xuất để quyết định thị trường. Hay nói cách khác, trước giờ, cung cấp cái mình có, giờ đáp ứng cái thị trường cần. Phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp.

       Thưa Bộ trưởng, như vậy có thể hiểu điều quan trọng để nền nông nghiệp "bước qua lời nguyền" là phải làm sao nâng cao kiến thức, đào tạo cho những người làm nghề nông - một nghề mà xưa nay vẫn có quan niệm là không cần qua đào tạo?

       Làm sao để người nông dân thấy rằng phải thay đổi và có ai đó xác nhận rằng bà con đã thay đổi. Tôi nói nghề nông cũng phải đào tạo, huấn luyện, nhiều người đặt câu hỏi bởi vì quen với nếp nghĩ đã là nông dân thì không cần học nghề. Nhưng nghề nông cũng là một nghề, chứ không phải vì không có việc gì làm nên phải đi làm ruộng. Đã là nghề thì phải được đào tạo, huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận, để người nông dân có thể hãnh diện về nghề của mình. Chúng ta phải tự trách là chưa làm hết trách nhiệm với người nông dân, thậm chí có lúc chúng ta lại xuê xoa quá. Thành ra nền nông nghiệp mình rơi vào dễ dãi, giờ phải chuyển thành nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm với môi trường tự nhiên, trách nhiệm với thế hệ mai sau.

       Nhiều năm qua, các chính sách của Nhà nước được thiết kế hỗ trợ cho nông dân đa phần là hỗ trợ về vật chất. Bây giờ cần hỗ trợ bằng kiến thức, bằng kết nối thị trường, hỗ trợ bằng cách trả lời những điểm nghẽn trong suy nghĩ của bà con. Vì vậy, tôi vẫn đau đáu vấn đề thay đổi suy nghĩ của người nông dân, muốn vậy phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin cho bà con.

       Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa chương trình khuyến nông, huấn luyện nông dân vào những xã nông thôn mới. Nông thôn mới, nếu chỉ định vị là điện đường trường trạm, chỉ là những phần cứng, làm sao để người nông dân đóng vai trò chủ thể chứ không phải "ở trọ".

        "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn", lời văn đó trong truyện ngắn Những bài học nông thôn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gợi ra tâm thế khiêm nhường đến tự ti của người nông dân. Ở những thập niên đầu của thế kỷ 21, khi phản ánh về người nông dân Việt Nam, truyền thông vẫn có tâm lý thương cảm, bi lụy hóa, vẫn mặc định người nông dân là đối tượng cần được hỗ trợ. Theo ông, làm thế nào để người nông dân có thể tỏa sáng và tự hào với nghề của mình?

       Trách nhiệm với người nông dân là trách nhiệm thật sự xuyên suốt. Chúng ta không bi lụy hóa người nông dân mà phải cùng đồng hành để thay đổi, để dẫn dắt sự thay đổi. Hỗ trợ con cá hay cho cần câu hay khơi gợi, hun đúc thái độ, tinh thần câu cá? Cho "cần câu" cũng chưa đủ, mà cần phải hướng dẫn cả kỹ thuật câu vì không phải ai cũng có kỹ thuật câu cá. Nhưng kỹ thuật câu cũng chưa đủ bởi vì cần cả thái độ câu nữa. Đây là một cuộc cách mạng. Nếu không thay đổi được những cái này thì tất cả mọi thứ tác động vào người nông dân đều khó có thể được tiếp nhận. Tôi sang Hàn Quốc, vào bảo tàng, thấy tâm đắc trước thông điệp làm nên thành công của phong trào "Saemaul Undong" (Làng mới): "Mọi sự hỗ trợ của chính phủ đều là vô nghĩa nếu người dân không thay đổi, không dựa vào chính sức của mình".

       Bên cạnh những hình ảnh rất thương cảm về đời sống cơ cực của nhiều nông dân, các đơn vị truyền thông nên quan tâm xây dựng chương trình giúp người nông dân thay đổi. Hỗ trợ bà con ít giống cây trồng vật nuôi thì dễ nhưng khơi gợi, khuyến khích bà con hợp tác với nhau cùng trồng, cùng nuôi trong một hình thức kinh tế tập thể mới khó hơn nhiều. Và không có thay đổi này thì ngành nông nghiệp không thể bước qua "lời nguyền". Muốn nông dân thay đổi tư duy, không có cách nào khác là kiên trì, nhẫn nại. Từ cấp ủy, chính quyền ngay cơ sở phải thuyết phục bà con, rồi chúng ta tìm những nhân tố tích cực để lan tỏa dần. Tôi nghĩ rằng đã và sẽ có những người nông dân cấp tiến, tiên phong thay đổi. Đây chính là những người làm ra được những mô hình kinh tế tốt và lợi nhuận cùng tính bền vững của nó sẽ lan tỏa, khích lệ người khác làm theo. Trước đây, ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tôi đã mời những người nông dân thành công đến nói chuyện với nông dân. Từ đó, mô hình hội quán ở Đồng Tháp ra đời. Đó là chỗ người nông dân chia sẻ, nói cho nhau nghe và nghe nhau nói.

      Thưa Bộ trưởng, dù là cường quốc xuất khẩu nông sản nhưng năng suất lao động trong nông nghiệp đang rất thấp, trong đó người nông dân dường như đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng 4.0?

      Năng suất lao động thấp có những nguyên nhân như tôi đã phân tích. Chúng ta phải giúp bà con những nông cụ, máy móc nông nghiệp để tối ưu hóa quy trình sản xuất, công nghệ... Đừng để người nông dân bị cô lập trong "ốc đảo", lủi thủi trong thửa ruộng, mảnh vườn của mình, mà thiếu kênh tiếp cận tri thức, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Nhiều bà con cũng chưa biết sử dụng điện thoại thông minh để tối ưu hóa tiện ích trong đời sống và sản xuất của mình. Sau chương trình "Nông thôn mới" chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Chẳng lẽ lúc nào cũng nói về điện, đường, trường, trạm. Tôi ước ao và đang làm chương trình "Làng thông minh", ở đó có những người nông dân thông minh, cộng đồng thông minh. Người nông dân thông minh đầu tiên phải sử dụng được những tiện ích thông minh. Từ tiện ích thông minh đó, bà con có thể tự giới thiệu nông sản của mình, tự kết nối với thế giới bên ngoài.

        Chương trình "Làng thông minh" mà Bộ trưởng đề cập chắc hẳn phải gắn với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết chuyển đổi số trong nông nghiệp đang diễn ra thế nào và người nông dân sẽ được can dự và hưởng lợi gì từ quá trình này?

        Vừa rồi Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT về vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất hay và đơn giản: Chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng không phải gì to tát, đầu tiên làm sao có nền tảng số và mỗi người nông dân đều có địa chỉ ở đó, từ đó, người nông dân tự kết nối, tự giới thiệu. Chuyển đổi số trong nông nghiệp bắt đầu gắn kết từng mảnh vườn, từng thửa ruộng, từng vùng nguyên liệu lại, phải minh bạch hóa dữ liệu. Nhưng dữ liệu đang bị mù mờ, không được coi trọng. Dữ liệu cũng đang phân mảnh, chưa được thu thập một cách bài bản, hệ thống.

         Chỉ khi nào minh bạch hóa dữ liệu, rồi từ đó chúng ta sẽ hình dung nền nông nghiệp diễn biến thế nào, đầu cung diễn biến thế nào để chúng ta hướng vào đầu cầu. Bây giờ đầu cầu không biết đầu cung và đầu cung chẳng biết đầu cầu. Đó là biểu hiện của nền nông nghiệp mù mờ… Bộ NN&PTNT chưa tích hợp được dữ liệu, thông tin của 63 tỉnh thành. Gần như trước đây đến giờ chúng ta bỏ hẳn vấn đề dữ liệu, thông tin, chỉ tập trung vào sản xuất làm sao đạt năng suất cao nhất, sản lượng cao nhất thôi, đồng nghĩa sản lượng cao, lợi nhuận càng cao, tăng trưởng ngành càng cao. Nhưng bây giờ bài toán thị trường không phải như vậy nữa. Sản lượng ít nhiều khi lợi nhuận lại cao hơn. Nhiều khi làm ít lợi hơn làm nhiều. Do đó, câu chuyện cần quan tâm ở đây là bài toán kinh tế để tối ưu hóa lợi nhuận, tối ưu hóa các giá trị đạt được trên một đơn vị diện tích.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Phú - Phòng Quản lý chất lượng (tổng hợp từ nguồn báo: nhandan.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay9,806
  • Tháng hiện tại230,849
  • Tổng lượt truy cập8,448,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây