Thực hiện Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030”. Ngày 19/9/2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 638/KH-UBND thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó mục tiêu chung: Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Nghệ An tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
Mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2022 - 2025: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 5%/năm.
90% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO 22000... tăng 5%/năm.
Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 5%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.
100% huyện, xã kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp. 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.
Lãnh đạo tỉnh thăm nhà máy chè của Công ty CP phát triển chè Nghệ An
Mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm.
100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản thực phẩm quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO 22000... tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm.
Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.
Duy trì 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.
Mô hình chăn nuôi Gà tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc
Để đạt được những mục tiêu đó, giải pháp được đặt ra là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2022 - 2025.
Phối hợp huy động các nguồn lực Nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản. Tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy định. Thu hút nguồn lực và kinh nghiệm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nguyễn Phú - QLCL