hiều 6/11, Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai Đề án sản xuất trồng trọt vụ Xuân 2025. Các đồng chí: Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội nghị.
Sản xuất vụ Xuân 2025 được dự báo diễn ra trong điều kiện không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm; thời điểm rét đậm, rét hại trùng với thời gian ra mạ, gieo cấy nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất cũng như tiềm ẩn nguy cơ bị thiệt hại các cây trồng do thời tiết.
Đặc biệt, ở vụ Xuân 2025, trước những bất ổn về kinh tế, chính trị, khí hậu toàn cầu, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) dự báo giá gạo duy trì ở mức cao trong niên vụ tới. Do đó, đây cũng là thời điểm để chúng ta thúc đẩy sản xuất lúa gạo đảm bảo chất lượng nhằm tích cực tham gia thị trường, nâng cao giá trị sản xuất của lúa gạo Nghệ An.
Trên cơ sở các thuận lợi, khó khăn đã được dự báo, Nghệ An xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống và thời vụ hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng. Tinh thần chỉ đạo là linh động, quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất; khai thác tối đa và phát huy cao mọi nguồn lực để vụ Xuân 2025 đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả cao.
Với mục tiêu phấn đấu của ngành NN&PTNT về sản lượng lương thực năm 2025 khoảng 1.200.000 tấn. Trong đó, vụ Đông 2024 sản lượng ước đạt 72.750 tấn; vụ Hè thu - Mùa luôn phải đối mặt rất nhiều khó khăn về nguồn nước, mưa lụt cuối vụ, sâu bệnh, năng suất thấp. Do đó, vụ Xuân 2025 phải phấn đấu đạt 708.800 tấn lương thực.
Cụ thể: Sản xuất 90.500 ha lúa, sản lượng 624.650 tấn; ngô 108.800 ha, sản lượng 708.800 tấn. Ngoài ra là các loại cây trồng ngắn ngày khác như lạc, khoai lang, rau các loại…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nêu rõ: Sản xuất vụ Xuân có vai trò rất quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của cả năm.
Nếu khó khăn nhất trong sản xuất Hè thu là nguồn nước tưới và mưa lụt vào cuối vụ, thì sản xuất vụ Xuân lại đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp để thích ứng với rét đậm, rét hại đầu vụ; các loại sinh vật gây hại cây trồng như ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, bệnh lem lép hạt, sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá hại sắn... sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Đó là những yếu tố dự báo ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng vụ Xuân, đặc biệt là cây lúa giai đoạn mạ và các cây trồng khác ở giai đoạn xuống giống.
Nhìn nhận và rút ra những bài học vụ Xuân năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chỉ ra 2 tồn tại cần lưu ý để khắc phục trong xây dựng Đề án và chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2025, đó là: Chỉ tiêu về diện tích, sản lượng cây lạc, ngô sinh khối và khoai lang không đạt so với kế hoạch đề ra. Năng suất những diện tích lúa gieo cấy trước lịch thời vụ từ 10-15 ngày giảm so với những diện tích gieo cấy sát, đúng với lịch thời vụ khuyến cáo.
Đề án sản xuất vụ Xuân năm 2025 đã được Sở NN&PTNT xây dựng, nhận định có 6 thuận lợi, 8 khó khăn và 10 nhóm giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Để tổ chức triển khai sản xuất vụ Xuân 2025 đạt kết quả cao về cả diện tích, năng suất, sản lượng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, yêu cầu các địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp mà ngành Nông nghiệp đã đề ra.
Ý kiến bạn đọc