Sản phẩm OCOP ‘tốt gỗ’ mà chưa tốt ‘nước sơn’

Thứ hai - 01/07/2024 03:15 121 0
Sản phẩm OCOP ‘tốt gỗ’ mà chưa tốt ‘nước sơn’

Các chủ thể của sản phẩm OCOP, ngoài không ngừng nâng cao chất lượng, cần quan tâm nhiều đến mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm.

"Tối ưu" lợi thế địa phương từ sản phẩm OCOP

Nói đến đặc sản Nam Đàn không thể bỏ qua sản phẩm tương, vì vậy khi khách du lịch đến đây, trong những món quà mang về thường không thiếu tương nhãn hiệu Nam Đàn.

Để sản phẩm tương Nam Đàn được ngon, các cơ sở sản xuất ở địa phương đã rất công phu trong tuyển chọn nguyên liệu và xử lý theo việc "tối ưu" công thức truyền thống, để làm ra những mẻ tương ngon nức tiếng.

tương được ủ. Ảnh XH
Tương được cho vào chum đậy kín để phơi nắng. Ảnh XH

Bà Bùi Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất tương ở xã Nam Giang (Nam Đàn) có sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP, cho biết: Bằng cách giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại; các hoạt động kết nối cung cầu do Liên minh hợp tác xã và ngành Công thương tổ chức; cùng với quảng bá trên các trang mạng xã hội, nên sản phẩm tương của gia đình ngày càng được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn. Bình quân mỗi ngày bán ra từ 1 - 2 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50%.

Sản phẩm tương Nam Đàn được người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng. Ảnh: Xuân Hoàng
Sản phẩm tương Nam Đàn được người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng. Ảnh: Xuân Hoàng

Xung quanh vấn đề mẫu mã bao bì sản phẩm, bà Bùi Thị Hà trăn trở: Từ trước đến nay, sản phẩm tương của gia đình được đóng trong chai nhựa loại 1 lít, nhằm thuận lợi cho việc vận chuyển và giảm giá thành, nhưng nhận thấy vẫn chưa đẹp mắt. Gia đình đã nghĩ đến chuyển sang sử dụng chai thủy tinh để đóng sản phẩm, song giá thành cao hơn nhiều so với sử dụng chai nhựa. Bởi, không những chi phí mua chai thủy tinh cao hơn chai nhựa, mà còn phải đầu tư thêm hộp đựng chai để hạn chế vỡ trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, về lâu dài, gia đình sẽ chuyển sang chai thủy tinh nhằm hướng đến thị hiếu của người tiêu dùng là đẹp, hiện đại hơn và đảm bảo vệ sinh hơn.

Không những sản phẩm tương, một số sản phẩm khác của Hợp tác xã Sen Quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn) như trà sen, trà lá sen, trà tâm sen... mặc dù HTX đã sử dụng nhiều loại bao bì khá bắt mắt, nhưng có ý kiến cho rằng vẫn còn đơn giản, chưa hấp dẫn.

lãnh đạo tỉnh và Liên minh HTX tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh Xuân Hoàng
Lãnh đạo tỉnh và Liên minh HTX tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại một số chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP do Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức, nhiều khách hàng cho rằng, mặc dù các sản phẩm được đóng gói bao bì đã có sự đầu tư, song cần tư duy không ngừng thay đổi mẫu mã để theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Chất lượng là yếu tố quyết định thành công của sản phẩm, song để làm sao nổi bật và thu hút khách hàng là phụ thuộc vào mẫu mã bao bì sản phẩm bên cạnh đó là phù hợp với từng lứa tuổi...

Ngoài tương là sản phẩm truyền thống, Nam Đàn còn có nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Đó là các sản phẩm của HTX Sen quê Bác, HTX Chanh Nam Kim, HTX Xanh Đại Huệ, HTX giò bê Đức Tuấn, Cơ sở sản xuất giò bê Sơn Cẩm, Châu Hường; Thực dưỡng Phương Công, nấm sạch Quang Cầu, bánh nhãn Chuyên Quân, dầu lạc Hùng Tiến... khiến người tiêu dùng “nức lòng” mỗi khi được thưởng thức.

Các sản phẩm OCOP của HTX Sen Quê Bác (xã Kim Liên, Nam Đàn).
Các sản phẩm OCOP của HTX Sen Quê Bác (xã Kim Liên, Nam Đàn).

Ông Hồ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho hay, những năm qua, huyện đã tập trung đôn đốc, rà soát các sản phẩm có lợi thế gắn với truyền thống, lợi thế của địa phương để hướng dẫn cho các chủ thể xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến nay toàn huyện đã có 69 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó 9 sản phẩm 4 sao, 60 sản phẩm 3 sao.

Để kịp thời động viên, khuyến khích các chủ thể OCOP, thực hiện Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020, của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện đã hỗ trợ mua máy móc thiết bị cho Hợp tác xã Xanh Đại Huệ với số tiền 200 triệu đồng; Hỗ trợ gian hàng trưng bày cho Hợp tác xã Sen Quê Bác với số tiền 300 triệu đồng; Hỗ trợ gian máy móc, thiết bị cho Hợp tác xã giò bê Đức Tuấn với số tiền 300 triệu đồng và tới đây sẽ tiếp tục hỗ trợ cho một số HTX.

Theo ông Hồ Sỹ Hải, phát triển sản phẩm OCOP ngoài bán ra thị trường ngoài huyện, còn phục vụ trưng bày bán sản phẩm tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Nam Đàn có lợi thế về du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái… hằng năm thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế một số chủ thể sản phẩm OCOP chưa thực sự đầu tư đổi mới bao bì sản phẩm. Để phát triển lâu dài, huyện chỉ đạo các chủ thể của sản phẩm OCOP quan tâm đầu tư vào đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm ngày càng bắt mắt, tinh tế, hiện đại, đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, có mã vạch, mã QR tra cứu rõ nét...

Trăn trở đổi mới mẫu mã

Với tổng số sản phẩm OCOP hiện có nhiều nhất so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, là lợi thế để Nam Đàn khai thác tiềm năng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Mới đây, tại buổi giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Nam Đàn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi có ý kiến cho rằng, Nam Đàn là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngoài yếu tố chất lượng, thì các chủ thể của sản phẩm OCOP cần quan tâm nhiều đến mẫu mã bao bì sản phẩm, để tăng sức hấp dẫn cho khách du lịch. Bao bì không những đẹp, mà còn đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, có mã QR tra cứu sản phẩm rõ ràng.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi khảo sát, tìm hiểu về sản phẩm tương Nam Đàn. Ảnh :Xuân Hoàng
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi khảo sát, tìm hiểu về sản phẩm tương Nam Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng

“Nhìn ra các tỉnh khác cho thấy, ngoài không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, họ còn trăn trở thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm thường xuyên, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng mỗi khi tiếp cận. Có thể thấy như bánh đậu xanh Hải Dương; bánh cốm Hà Nội… và nhiều sản phẩm các tỉnh khác, bao bì ngày càng hấp dẫn. Nam Đàn là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch thì cần quan tâm đến mẫu mã của sản phẩm OCOP, từ đó sản phẩm sẽ tiêu thụ mạnh hơn”, ông Nguyễn Như Khôi bày tỏ.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát triển mạnh mẽ. 21/21 huyện, thành phố, thị xã đều tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay toàn tỉnh đã có 567 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó: 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 529 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao.

Để các sản phẩm OCOP của Nghệ An ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, vấn đề cần thiết là từng bước nâng cao chất lượng, đặc biệt là quan tâm đến mẫu mã bao bì. Bởi rằng, bao bì đóng gói sản phẩm luôn được thay đổi và hấp dẫn, bắt mắt hơn, là thể hiện sự trăn trở của chủ thể sản phẩm OCOP, từ đó khách hàng sẽ tin tưởng hơn./.

Nguồn: https://baonghean.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây