Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội

Thứ bảy - 01/10/2022 05:44 341 0
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức 'Diễn đàn trực tuyến kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể'.

Diễn đàn 970 với chủ đề kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể.

Trong bối cảnh tháng 9 là tháng các trường học trên cả nước bắt đầu năm học mới, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp đang diễn ra với cường độ cao trước khi bước vào quý cuối năm của năm 2022, ngày 20/9, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Diễn đàn 970) của Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND, Sở NN-PTNT, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước đồng tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể”.

 
Điểm cầu tại Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT).

Điểm cầu tại Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT).


Theo đó, Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối thông tin cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, rau quả của các doanh nghiệp cung cấp uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại trường học và các doanh nghiệp quy mô lớn trên cả nước. Đồng thời, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất, lưu thông và tiêu thụ thực phẩm an toàn; nắm bắt thông tin và nhu cầu thực tế của các bếp ăn tập thể từ đó định hướng khâu sản xuất và phân phối nông sản cho phù hợp…

Diễn đàn 970 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom với 2 điểm cầu chính tại TP. Hà Nội, TP. HCM và các đầu cầu đến từ nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

z3735970376063_0ac008e3eb90413985ae716a6c15f13e
 


Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, chủ đề kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể gắn liền với người công nhân, các em học sinh mong muốn xây dựng một Diễn đàn gợi mở cho những đối tượng là khách hàng của ngành nông nghiệp.

Ông Toản cho rằng, với đối tượng người công nhân, các em học sinh, chúng ta coi việc cung ứng nông sản, thực phẩm vào các khu công nghiệp, các bếp ăn trường học không chỉ dừng ở khâu an toàn thực phẩm mặc dù đây là khâu quan trọng nhất.

“Chúng ta cần coi đây là sự chăm chút chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng, coi đây là sự chuyển biến nhận thức từ các hành vi tiêu dùng, làm quen với thực phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm”, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Theo đó, tiêu chuẩn dinh dưỡng hàng ngày của người dân Việt Nam nói chung và từng đối tượng tại từng môi trường làm việc nói riêng cần được thống nhất, đồng bộ. Hiện nay, ngành NN-PTNT đang cố gắng đồng bộ hóa, chuẩn hóa những quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… Hiện, Việt Nam có khoảng 397 khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổng số học sinh phổ thông là 17,9 triệu em. Với từng quá trình phát triển thể chất của các em học sinh, chúng ta cần có những định mức, chế độ dinh dưỡng cụ thể.

Thực tế cho thấy, nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày vô cùng quan trọng. Nguồn cung cấp đó đến từ đầu vào của các địa phương, các doanh nghiệp cung ứng. “Thực tế, việc tiếp cận, cung ứng lương thực thực phẩm hàng ngày cho thị trường còn nhiều dư địa này là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng vô cùng cao cả. Đó không chỉ là trách nhiệm giao thương mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội”, ông Nguyễn Quốc Toản bày tỏ.

Theo đó, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu ra những khó khăn và phương hướng giải quyết.

Thứ nhất, cần phải xác định mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa. “Tuy nhiên công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong môi trường trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Toản cho hay.

Thứ hai, cần nắm được định mức ăn của mỗi học sinh, mỗi người công nhân vì đây là những yếu tố chi phối số lượng đầu vào của thực phẩm cho các bếp ăn tập thể. “Chúng ta cần thiết kế được những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, vi chất cần thiết cho các em học sinh, người công nhân. Để có thể làm được điều này rất cần sự quan tâm, phối hợp của Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương, từ đó có sự điều chỉnh chính sách về tài chính, hỗ trợ các trường học, các khu công nghiệp…”, ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Thứ ba, hiện nay Việt Nam đang có đa dạng các đơn vị cung ứng, để có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các đơn vị đó cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất. Nếu giảm được giá thành, các đơn vị có thể tiếp cận được khu vực vùng sâu vùng xa.

Thứ tư, cần minh bạch và trách nhiệm trong việc cung cấp các suất ăn. Cụ thể, cần minh bạch dạng hình sản phẩm, quản lý chất lượng, không gian thị trường cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng.

Thứ năm, vấn đề đặt ra với văn hóa tiêu dùng không còn mới nhưng nếu không tổ chức thực hiện sát sao sẽ tạo ra thói quen không tốt của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi, trồng trọt cũng như tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng. Theo đó, các địa phương cần có những kế hoạch triển khai cụ thể nhằm cải thiện tư duy, lối suy nghĩ, hình thành cộng đồng người tiêu dùng văn minh.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, một số sản phẩm cây trồng chủ lực như bơ, mãng cầu, nhãn xuồng cơm vàng, cây ca cao và cây tiêu đã được tỉnh đưa vào sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và chứng nhận hữu cơ.

Số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều, khoảng 344 cơ sở trồng trọt, với quy mô diện tích là 5.272 ha, sản lượng chủ yếu trên cây rau, chuối, bưởi, nhãn, bơ, ca cao… Tỉnh cũng đã quản lý và cấp mã số vùng trồng cho cơ sở đóng gói và cơ sở sản xuất. Hiện có 5 vùng trồng đã được cấp mã số và có 3 vùng trồng đang được đề xuất cấp mã số vùng trồng mới.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhận được quy trình cấp mã số vùng trồng nội địa, hiện đang xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng nội địa trên những cây trồng đã đăng ký đủ điều kiện ATTP đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng nhận khác.

Về quản lý trong canh tác của nông dân, Chi cục cũng thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra các đại lý buôn bán thuốc BVTV, các hộ nông dân tại các vùng trồng, quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc BVTV trong danh mục.

Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh dự kiến ban hành vùng ứng dụng công nghệ cao trên cây tiêu và quản lý chặt chẽ.

Về truy xuất nguồn gốc, tỉnh đang hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất lớn ghi chép nhật ký đồng ruộng trên điện tử.

ca tra

Sản phẩm cá tra nếu qua chế biến sẽ rất phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học (Ảnh minh họa).


Ông Đào Trọng Hiếu, Trưởng phòng Phát triển Thị trường Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, sản phẩm cá tra được cam đoan về phương diện quản lý an toàn VSATTP và là một trong những đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, đúng nguyên tắc theo chuỗi, với hơn 70% sản lượng được các doanh nghiệp, vùng nuôi trồng áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn sản xuất...

“Cá tra đảm bảo các tiêu chí ngon, bổ, rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Hiện sản phẩm cá tra không chỉ đơn thuần được sản xuất ở dạng phi lê, cắt khúc, đông lạnh mà còn được chế biến thành chả viên, xúc xích... rất phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học. Tôi cho rằng đây là sản phẩm phù hợp để thay thế các sản phẩm động vật trên cạn phục vụ cho bếp ăn tập thể”, ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Chế biến, một bộ phận lớn người dân ở miền Bắc vẫn chưa có có cơ hội tiếp xúc, thưởng thức sản phẩm này. Như vậy, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, cần thúc đẩy hơn nữa liên kết tiêu thụ, phổ biến cá tra, đặc biệt cho người tiêu dùng phía Bắc.

Cần đầy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (Ảnh minh họa).

Cần đầy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (Ảnh minh họa).


Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho rằng, người tiêu dùng cần phát huy cái quyền được biết xuất xứ thực phẩm mình sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng hiện nay lại có thói quen dễ dãi, cứ tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, chứ chẳng quan tâm xuất xứ. Vì vậy, cần đầy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó buộc người sản xuất cũng phải phải thay đổi theo.

Theo bà Phương Khanh, tỉnh Long An đã đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn từ năm 2014 và có chương trình hỗ trợ cho đơn vị sản xuất. Nguồn hàng này không chỉ phục cho tỉnh, mà còn là thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được trên 20 chuỗi sản xuất an toàn, gồm cả rau, củ , quả và thịt, cá. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 40% sản phẩm sản xuất an toàn tiệu thụ đúng kênh, còn lại là tiêu thụ đại trà.

Tỉnh Long An rất mong muốn đưa nguồn thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể, các trường học. Theo đó, Sở NN-PTNT và Sở Công thương tỉnh có sự phối hợp rất chặt chẽ, đã mời các nhà cung ứng trong chuỗi thực phẩm an toàn để giới thiệu cho các doanh nghiệp, trường học.

Khi xây dựng được các chuỗi sản xuất an toàn, Sở NN-PTNT tỉnh Long An luôn có công văn gửi ngành Giáo dục để giới thiệu với các trường để đưa vào bếp ăn cho học sinh. Tuy nhiên, theo bà Phương Khanh, hiện nay phần lớn suất ăn ở các trường học, doanh nghiệp là dưới 30 ngàn đồng, phổ biến chỉ từ 25-27 ngàn đồng/suất. Vì vậy, cũng rất khó đòi hỏi nguồn thực phẩm vừa rẻ vừa an toàn được.

truy xuat

Xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn (Ảnh minh họa).


Là một đơn vị chủ lực cung cấp thực phẩm trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016, Công ty Cổ phần Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội chủ yếu cung cấp thịt lợn vào hệ thống siêu thị và các bếp ăn trường học. Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn nhưng đối các doanh nghiệp sản xuất bài bản, chuyên nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động, các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng ‘phi tiêu chuẩn’”, ông Võ Việt Dũng nêu vấn đề.

Chia sẻ thêm về vấn đề các mô hình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ hiện nay, đại diện doanh nghiệp cho biết, nhiều sản phẩm có giá rẻ là do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó làm lẫn lộn thực phẩm truy xuất nguồn gốc, thực phẩm sạch với thực phẩm được sản xuất phi tiêu chuẩn, không tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do yếu tố giá rẻ luôn hấp dẫn người tiêu dùng.

Qua Diễn đàn, ông Võ Việt Dũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ để tạo ra một môi trường kinh doanh văn minh, xây dựng các chuỗi sản phẩm đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

“Đồng thời các cơ quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn”, đại diện doanh nghiệp đưa ra kiến nghị.

Nhập chú thích ảnh

Bữa ăn của trẻ tại Trường Mầm non Hương Nắng Hồng, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM.


Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, việc đem các sản phẩm đảm bảo ATTP tới bếp ăn trường học không chỉ đơn thuần là hoạt động cung ứng, mà đó còn là trách nhiệm chung với xã hội, đất nước. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc tuyên truyền, kiểm soát chuỗi cung ứng ATTP tới bếp ăn nhà trường.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chuỗi cung ứng không chỉ gói gọn trong một địa phương, mà cần có sự liên kết ngang giữa các tỉnh, thành với nhau để đảm bảo nguồn thực phẩm được cung cấp vào trường học được kiểm soát ATTP một cách rộng rãi cũng như xử lý các cơ sở cung ứng thực phẩm không an toàn một cách kịp thời và đồng bộ.

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Thanh Tùng, ông Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, bên cạnh phục vụ thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước cũng cần được tiếp cận với những sản phẩm đảm bảo ATTP. Nhất là các bếp ăn trường học, nơi đang nuôi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước, càng phải được tiếp cận với những thực phẩm an toàn, chất lượng.

bep an 3

Vấn đề ATTP cho các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp luôn được chú trọng hàng đầu (Ảnh minh họa).


Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai: Việc thực hiện chuỗi liên kết thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn đã được tỉnh triển khai từ nhiều năm trước và hiện đang tập trung xây dựng đề án chuyên sâu hơn. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã làm việc với các chợ đầu mối để thực hiện cung cấp các dịch vụ suất ăn, nguồn thực phẩm rau củ quả và kể cả các lò giết mổ trên địa bàn cũng được xây dựng quy trình sản phẩm sạch an toàn.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, diện tích gieo trồng rau củ quả cung cấp không lớn. Tuy nhiên, đối với cây ăn trái thì nhiều. Ngoài ra, đối với các nguồn thực phẩm thịt như gia súc, gia cầm thì rất lớn (tổng đàn heo hơn 2,3 triệu con, gia cầm khoảng 27,1 triệu con), sản phẩm thịt chủ yếu cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Việc đảm bảo ATTP tỉnh đang làm, từ khâu hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn, đến quản lý đầu vào các bếp ăn, hiện đang được triển khai, rà soát lại.

"Tất cả các bếp ăn đang được kết nối với các chuỗi các tổ hợp tác qua kênh chợ đầu mối để cung cấp nguồn thực phẩm đã được đảm bảo…", ông Thắng cho biết. "Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, đó là vấn đề kết nối với các vùng trồng và tiêu thụ, cũng như việc thống nhất giá với đơn vị thu gom vào các bếp ăn".

"Việc ký kết với các doanh nghiệp đã có chứng nhận thực phẩm an toàn đang gặp khó, mong các cơ quan đơn vị chia sẻ hỗ trợ cho Đồng Nai có giải pháp kết nối. Đồng thời, tính toán giá cả ổn định từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Còn về sản phẩm an toàn thì có thể nói hiện nay tỉnh đã làm tốt", Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phát biểu tại diễn đàn.

ba nga
 


Bà Vũ Thị Thu Nga (ảnh), đại diện Công ty Japfa chuyên cung cấp thịt gà, thịt lợn và các sản phẩm thịt gà, thịt lợn, mong muốn thông qua diễn đàn có thể mở rộng mạng lưới phân phối, kết nối với các điểm có nhu cầu để cung cấp nhiều sản phẩm an toàn đến các cơ sở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học.

ong Ha
 


Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận bếp ăn trường học, ông Bùi Hoàng Hà (ảnh), Giám đốc kênh Horeca – kênh chuyên cung ứng thực phẩm cho rằng, quy định không được lưu thực phẩm tại bếp nhà trường đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thịt.

Đơn cử như thời gian lưu kho lạnh của thịt gà là 4 ngày, thịt heo tối đa là 7 ngày, nếu doanh nghiệp có thể vận chuyển lượng thực phẩm nhiều ngày trong một chuyến hàng sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, logistics,... Ngoài ra, việc này cũng gây ra lãng phí khi nhà trường phải bỏ thực phẩm khi vẫn còn hạn.

Ông Hà cũng kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các thực phẩm phục vụ trường học cần bắt buộc có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, thông tin cụ thể về quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP, để các sản phẩm ATTP có nhiều cơ hội tiếp cận với các bếp ăn trường học hơn.

bep an 2

Việc tổ chức bữa ăn tập thể cho các em nhỏ thật sự là một bài toán khó (Ảnh minh họa).


Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Trần Thị Nhị, đại diện trường mầm non Trù Hựu, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thông tin hiện nay, nhà trường đang tổ chức ăn bán trú tại trường cho 100% học sinh tại trường với gần 600 em. Hiện nay, nguồn cung ứng thực phẩm cho nhà trường chủ yếu là các sản phẩm nông sản tại địa phương do người dân địa phương trực tiếp sản xuất. Nhà trường tiếp nhận thực phẩm qua 2 hình thức là trực tiếp thu mua từ người dân và qua đầu mối thu gom.

“Chính vì vậy nên công tác truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm vẫn chưa được triển khai. Đó cũng là nỗi băn khoăn và lo ngại của nhà trường về nguồn thực phẩm không đảm bảo. Thời gian qua, nhà trường đã triển khai nhiều công tác nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tốt”, bà Trần Thị Nhị chia sẻ.

Bà Nhị cho biết thêm, hiện nay mức ăn của nhà trường thấp, giá cả cho các bữa ăn là nỗi băn khoăn của cả nhà trường và phụ huynh học sinh. “Thông qua Diễn đàn, chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm sạch, an toàn và phù hợp với mức đóng góp kinh tế của phụ huynh học sinh huyện miền núi”, đại diện trường mầm non Trù Hựu bày tỏ.

Các bếp ăn tập thể rất cần hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc thực phẩm (Ảnh minh họa).

Các bếp ăn tập thể rất cần hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc thực phẩm (Ảnh minh họa).


Bà Đặng Thị Ngoan, KCN Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: Công ty từ lâu nay cũng có hợp đồng với một đơn vị nước ngoài vào nấu bếp ăn cho công ty, cũng thực hiện đầy đủ về lưu mẫu thực phẩm. Tuy nhiên, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì lâu nay cũng chưa thực hiện được. Công ty liên kết với Cty Sông Hồng Tâm; đồng thời họ cũng có mối liên kết với các công ty khác để thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Do đó qua đây cũng mong diễn đàn hỗ trợ thêm về vấn đề này.

ong Thuan
 


Ông Nguyễn Văn Thuận (ảnh), Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn là mối liên kết sản xuất với nhau thông qua các cam kết, hợp đồng về trách nhiệm để cùng nhau tạo ra các sản phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn.

Hiện nay, rất nhiều sản phẩm sản xuất trong nước lại có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu do thiếu liên kết chuỗi. Với việc áp dụng liên kết sản xuất, sẽ tạo được tiếng nói chung cho các công đoạn, từ đó đảm bảo việc giám sát ATTP thông qua trách nhiệm hợp đồng, phát triển nền sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước giảm thiểu nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Quản lý ATTP theo chuỗi sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên từ người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh tới cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được các sản phẩm an toàn, phân biết được sản phẩm đã được kiểm soát an toàn; người sản xuất kinh doanh sẽ tăng sản lượng và giá trị sản xuất kinh doanh nhờ niềm tin và sự trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm ATTP; cơ quan Nhà nước sẽ kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất; truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

z3735558091716_fab838eef3457da227a7d4b4313920b7
 


Ông Vũ Cường (ảnh) – Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin, đến cuối tháng 8/2022, đã có 1,669 chuỗi cung cấp nông sản an toàn được kiểm soát VSATTP, trong đó có một số doanh nghiệp tiêu biểu cung ứng theo chuỗi lớn như Công ty Thực phẩm Nam Hà Nội, Công ty Masan, Công ty DeHeus...

Đối với chuỗi cung ứng thực phẩm cho bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp và trường học quan tâm đến 4 vấn đề gồm VSATTP, chi phí cạnh tranh, chất lượng và tính sẵn sàng (cung ứng thường xuyên, đều đặn)...

“Tùy vào sự ưu tiên của từng doanh nghiệp, trường học đối với chuỗi cung ứng thực phẩm cho bếp ăn tập thể, song yếu tố VSATTP luôn được ưu tiên trên hết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trường học không nên chỉ tin tưởng vào đơn vị cung cấp mà cần có phương án xử lý nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn dựa theo chuỗi này”, ông Cường cho biết.

Từ đó, ông Cường cho biết Diễn đàn nhằm kết nối cung - cầu, giúp các đơn vị cung cấp và đơn vị tiêu thụ hiểu nhau, định hướng người mua tới các chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn trong đó thông tin về công tác đảm bảo VSATTP của Bộ NN-PTNT trong chuỗi cung ứng, cung cấp địa chỉ các chuỗi cung ứng an toàn và thông tin về phương pháp tiếp cận của người mua.

ong Toan
 


Phát biểu khai mạc mở đầu Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 là diễn đàn kết nối giao thương, nguồn lực, thông tin về thị trường nông sản. Chủ đề ngày hôm nay gắn liền với bối cảnh và đối tượng hết sức quan trọng là các trường học cho học sinh các cấp và các khu công nghiệp, khu chế xuất với đông đảo lực lượng công nhân. Theo đó, các ý kiến tham luận trong Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng chuỗi cung ứng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho hệ thống các bếp ăn tập thể.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây