Ban Chỉ đạo Chất lượng, An toàn thực phẩm và Phát triển thị trường: Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình kiến tạo và phát triển ngành hàng của đất nước

Thứ tư - 01/05/2024 21:56 387 0
Ban Chỉ đạo Chất lượng, An toàn thực phẩm và Phát triển thị trường: Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình kiến tạo và phát triển ngành hàng của đất nước

Ban Chỉ đạo Chất lượng, An toàn thực phẩm và Phát triển thị trường: Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình kiến tạo và phát triển ngành hàng của đất nước

Chiều ngày 11/4/2024 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo Chất lượng, An toàn thực phẩm và Phát triển thị trường với sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và sự tham dự của đại diện các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng hiệp hội ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp: “Chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, tối ưu hóa thị trường là vấn đề lớn trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe hơn. Trong khi đó, vấn đề này có liên quan đến chất lượng ATTP. Thị trường không chỉ là nơi trao đổi giữa người bán và người mua mà còn là văn hóa tiêu dùng, tâm lý của người tiêu dùng ở những bối cảnh khác nhau, được phân ra nhiều nhánh và ngách… Như vậy, nếu không hiểu được những ‘ngách’ này thì khó có thể chiếm được những thị trường cá biệt, cá tính”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên họp

 Bộ trưởng còn cho biết, thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp là 3 chữ “biến” - biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Bộ trưởng cũng kêu gọi cần gắn chặt hơn nữa hoạt động thị trường của doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Tham tán Nông nghiệp Việt Nam ở nước ngoài… Đồng thời, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần tiếp cận thị trường tổng quan hơn thông qua quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Đã đến lúc chuẩn bị phân loại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường ngách, thị trường cơ hội… Những yêu cầu như chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được kiểm soát (IUU), Quy định không phá rừng (EUDR)… là chỉ dấu cho thấy sức nóng của thị trường thế giới. Từ đó, đòi hỏi hàng hóa không chỉ dồi dào, ngon, chất lượng như hồi 5 - 10 năm trước mà còn cần có trách nhiệm xã hội”.

Cũng tại buổi họp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ông Nguyễn Như Tiệp báo cáo về thực trạng và chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường. Ông cho biết, có sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP). ATTP nông lâm thủy sản so với những năm trước đây, nhất là từ năm 2016 khi Quốc hội thực hiện các biện pháp chiến lược và tăng cường giám sát chuyên sâu về ATTP, mức độ đảm bảo ATTP đã được nâng cao đáng kể. 

Ví dụ, vào quý I 2024, tỷ lệ các cơ sở đủ điều kiện về ATTP nông lâm thủy sản đạt 99,4%, tỷ lệ cơ sở ký cam kết đạt 92%, và tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đạt 99,6%, hơn 2.500 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được duy trì. Cùng với đó các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy công tác mở cửa thị trường ngày càng được chú trọng, là minh chứng cho sự cam kết, nỗ lực của chính phủ và các cơ quan liên quan trong đảm bảo ATTP cho người dân và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp cũng nêu ra một số hạn chế trong việc mở rộng thị trường như nguồn cung và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, vẫn còn hàng bị cảnh báo và trả về, chưa đa dạng về sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường; quy cách bao gói chưa phù hợp; giá thành còn cao; tỷ trọng sản phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường còn thấp; chi phí logistic chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành.

Để khắc phục những vấn đề trên, ông Nguyễn Như Tiệp cũng đề xuất một loạt các biện pháp cụ thể. Đầu tiên cần hoàn thiện cơ chế và chính sách pháp luật như Đề án về logistic hay Nghị định về thương hiệu nông sản; khẩn trương có giải pháp khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được chứng nhận và bảo hộ. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch và tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tổ chức phối hợp, cung cấp thông tin, tập huấn cho nông dân, cơ sở sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường và duy trì các bản tin thị trường; tọa đàm, diễn đàn, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản. Ông cũng đề xuất xây dựng và áp dụng mô hình đánh giá điểm, chuyển giao gồm mô hình Ban/Tổ giám sát ATTP ở cấp xã và mô hình chuỗi giá trị ngành hàng gắn vùng nguyên liệu, hợp tác xã với hệ thống logistic.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan ATTP của Bộ, các Hiệp hội và các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công thương...Cùng với đó, Thứ trưởng cũng mong muốn các Hiệp hội ngành hàng xây dựng kế hoạch vận động thành viên tham gia vùng nguyên liệu. Cần lập kế hoạch kêu gọi mỗi doanh nghiệp đăng ký vùng nguyên liệu, tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong hiệp hội, tránh tình trạng “tranh mua tranh bán”. Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho các thành viên hiệp hội phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện quản lý chặt chẽ đảm bảo vùng nguyên liệu đạt chuẩn và chất lượng cao./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây