Bao giờ nông sản Việt Nam không phải giải cứu?.

Thứ năm - 25/02/2021 19:59 515 0
Bao giờ nông sản Việt Nam không còn phải “giải cứu” ?
Bao giờ nông sản Việt Nam không phải giải cứu?.
         Điệp khúc “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược để nông sản không còn đối mặt với nỗi lo triền miên “giải cứu”.
   Củ cải nhổ bỏ trắng ruộng ở xã Tráng Việt (H.Mê Linh, Hà Nội) khi giá thấp, không có thương lái thu mua. Ảnh: Phan Hậu
       
Giá rẻ mạt, dân nhổ rau làm… phân bón
            Xã Quỳnh Minh (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 160 ha rau, trong đó khoảng 120 ha hành lá. Ông Hồ Diên Hữu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh, cho biết trồng rau là nghề chủ lực của người dân trong xã, nhưng chưa khi nào giá rau lại rớt thê thảm như năm nay. Hành lá hiện chỉ 2.000 đồng/kg (trước đây 8.000 - 10.000 đồng/kg) nhưng vẫn rất khó bán. Hiện xã còn khoảng 80 ha hành chưa tiêu thụ được. Tiền bán rau không đủ tiền đầu tư giống, phân bón, nên nhiều nông hộ không muốn thu hoạch, phá bỏ rau ngay tại ruộng. “Giá rau quá rẻ là do thời tiết thuận lợi, cung vượt cầu, hơn nữa do dịch Covid-19 tái phát ở một số tỉnh nên rau không vận chuyển đi xa được”, ông Hữu nói.
       Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng với tính chất là mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt hằng ngày, tính đến 15.2 xuất khẩu nông sản đã đạt được kế hoạch khá tốt, khi có mức tăng trưởng là 5%. Tuy nhiên, hiện nay nông sản có yếu tố phụ thuộc rất lớn về tính thời vụ, thời tiết cũng như các yếu tố về bảo quản rất nhạy cảm. Do đó, cần hết sức chú trọng trong việc đảm bảo về khâu lưu thông cũng như các yếu tố về vận chuyển, bảo quản để giúp cho nông sản, lâm sản xuất khẩu được tốt hơn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)
          Tại xã Diễn Phong (H.Diễn Châu, Nghệ An), bắp cải cũng rơi vào tình cảnh tương tự: giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng vẫn rất khó bán, khiến người trồng không muốn thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Tám, một hộ trồng rau, cho biết gia đình bà trồng gần 10 sào bắp cải, hiện đã đến kỳ thu hoạch nhưng không bán nổi. Tiếc của, vợ chồng bà chở bắp cải lên xe đi rao bán cho các trại nuôi bò hoặc nuôi ốc bươu, nhưng mỗi xe bắp cải cũng chỉ bán được khoảng 150.000 đồng. “Trước đây, có thời điểm giá rẻ nhưng thương lái vẫn đến thu mua tại ruộng. Năm nay do dịch Covid-19 nên thương lái không thu mua, tiền bán bắp cải chưa đủ tiền bơm nước tưới”, bà Tám buồn bã nói.
         Ông Nguyễn Đức Hạnh (ngụ xã Diễn Phong) cho biết gia đình ông trồng 12 sào bắp cải, đầu vụ đã bán được 2 sào (gần 20 triệu đồng), hiện vẫn còn 10 sào không thể bán được và có thể sẽ phải chặt bỏ làm phân bón. Ông Phạm Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Diễn Phong, cho biết đầu vụ giá bắp cải còn bán 6.000 - 6.500 đồng/kg, nhưng giờ giá giảm dưới 1.000 đồng/kg. Hiện toàn xã vẫn còn 40 ha rau chưa thể thu hoạch được vì không có người mua.
        Tại các vùng chuyên canh trồng rau ở TP.Vinh, H.Hưng Nguyên (Nghệ An), tình cảnh cũng tương tự khi rau bán mỗi bó chỉ 1.000 đồng nhưng cũng ít người mua. Với giá quá rẻ mạt, nhiều hộ dân không muốn thu hoạch, đã nhổ bỏ rau để làm phân bón.
Nhà nước làm bệ đỡ sản xuất “khớp” với thị trường
          Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng trong những năm gần đây, hệ thống siêu thị phát triển hơn, với khoảng chục nhà bán lẻ quy mô lớn của các tập đoàn, có hệ thống phân phối trải dài qua nhiều địa phương. Đa số các chuỗi siêu thị này sẵn sàng hỗ trợ cả kinh phí vận chuyển, cam kết bán như giá mua, không thu lợi nhuận để hỗ trợ nông dân giảm bớt thiệt hại nên việc kết nối giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp (DN) và nông dân đã dễ dàng hơn, nông sản được tiêu thụ nhanh hơn khi cần “giải cứu”.
 Phải quy hoạch vùng để cân đối sản xuất, tiêu thụ
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng để không còn các cuộc “giải cứu nông sản”, nhất thiết phải tổ chức được các vùng quy hoạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến, nghiên cứu thị trường. Phải kêu gọi “giải cứu” nông sản thì giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thể cân đối được và để giải quyết thì nhất thiết phải có quy hoạch theo vùng riêng biệt, không để xảy ra tình trạng chồng chéo trong sản xuất mà dẫn đến dư thừa, cạnh tranh lẫn nhau.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhấn mạnh, việc “giải cứu” chỉ là giải pháp ngắn hạn, không ai muốn và thậm chí như năm ngoái, có cả thông tin DN sản xuất, thu mua, lẫn người dân “bắn tin” không muốn giải cứu vì vẫn trông chờ thương lái, các đầu mối thu mua xuất khẩu để bán giá cao hơn. “Cho nên, cái gốc để có một nền sản xuất nông nghiệp phát triển, thực sự bền vững thì biện pháp là phải sản xuất quy mô lớn. Muốn quy mô lớn thì cần hình thành các DN nông nghiệp lớn, trong đó ưu tiên phát triển các DN tư nhân. Khi đó, hàng hóa sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn để đi vào hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ cả nội địa lẫn các tập đoàn lớn nước ngoài. Song song đó, nhà nước hỗ trợ về chính sách như đất đai, vốn vay ưu đãi”, vị này phân tích.
Nhưng trong khi dần dần chờ giải quyết gốc rễ vấn đề, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho rằng trước mắt người nông dân cũng cần hình thành văn hóa kinh doanh “giữ chữ tín”, thực hiện theo đúng cam kết với DN.
“Ví dụ ở đâu có các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới, người nông dân như là những người công nhân, được trả lương để sản xuất. Còn DN, hợp tác xã tập trung lo đầu vào từ giống, vốn, quy trình sản xuất đến cả đầu ra là thị trường tiêu thụ thì chúng ta thấy ít cần phải giải cứu. Nhà nước sẽ chuyển dần hình thức hỗ trợ người nông dân trực tiếp như một số cách làm lâu nay sang hỗ trợ gián tiếp thông qua các công cụ như bảo hiểm, giá bán”, vị này cho hay, đồng thời nhấn mạnh: “Giải quyết được những vấn đề đó thì mới thoát khỏi cảnh “giải cứu” nông sản và tình trạng không ăn khớp giữa sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), rất cần những chính sách khuyến khích việc hình thành những chuỗi logistics nông sản đặc thù thông qua việc phát triển hạ tầng về kho lạnh, container lạnh, phương tiện vận tải lạnh để hỗ trợ ngành nông nghiệp xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước với các thị trường xa vùng sản xuất.
“Chúng ta cũng cần các nhà kinh doanh dịch vụ logistics chuyên nghiệp trong lĩnh vực này để có thể kết nối được các nhà sản xuất - người nông dân cho đến những cơ sở xử lý, chế biến cho đến khách hàng dù ở trong nước hay quốc tế. Khi chúng ta có những nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên biệt cho lĩnh vực nông sản như vậy thì cũng sẽ góp phần để giúp cho hàng hóa nông sản của chúng ta đến được thị trường nhanh hơn với chi phí rẻ hơn, và đặc biệt là vẫn có thể đảm bảo được yếu tố về chất lượng và an toàn thực phẩm - một vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay”, ông Hải nói.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây