Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản ở Nghệ An

Thứ tư - 16/03/2022 00:03 577 0
Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản ở Nghệ An
(Baonghean) - Để sản xuất nông nghiệp phát triển tương xứng tiềm năng, Nghệ An cần xác định những giải pháp thực sự phù hợp và hiệu quả. Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đệ -Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
P.V: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp Nghệ An đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ một cách tổng quan về vấn đề này? 
 Ông Nguyễn Văn ĐệNghệ An có diện tích đất nông nghiệp rộng, sản phẩm nông nghiệp phong phú, khối lượng lớn và chất lượng cao. Những năm gần đây, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thường xuyên đạt xấp xỉ gần 40.000 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 350.000 ha, trong đó, gần 225.000 ha cây lương thực, sản lượng lương thực cây có hạt trên 1,2 triệu tấn. Ngoài ra, Nghệ An còn có tiềm năng rất lớn về các sản phẩm cây công nghiệp như chè (8.500 ha), cao su (10.000 ha), cam (5.200 ha), gần 1.500 ha dứa… 
Với lợi thế về đất đai rộng lớn, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đang được đầu tư phát triển, tài nguyên phong phú, thời gian qua Nghệ An đã quy hoạch và phát triển được các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung như chè, mía, cao su, cây ăn quả... Có thể khẳng định, chúng ta có nhiều tiềm năng để sản xuất, chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS), phát triển các sản phẩm OCOP, cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường. 
Thời gian tới, tỉnh chủ trương tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, tạo khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn tiêu thụ ở các siêu thị, hệ thống phân phối lớn trong nước và xuất khẩu.
Nghê An đã xây dựng được vùng nguyên liệu mía cơ bản đáp ứng yêu cầu chế biến. Ảnh: tư liệu PV

P.V: Nghệ An đã đạt được kết quả như thế nào trong vấn đề chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Văn Đệ: UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2020; Đề án Nâng cao giá trị gia tăng của nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 15.000 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động thường xuyên. Có thể nói, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Nghệ An đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng KT-XH của tỉnh. Năm 2021, chúng ta có sản lượng đường kính trên 140.000 tấn; chè khô các loại trên 13.000 tấn; gần 70.000 tấn tinh bột sắn; 8.000 tấn mủ khô cao su, chế biến thủy sản trên 60.000 tấn... 
Đặc biệt, ngoài Công ty CP Thực phẩm Nghệ An là doanh nghiệp số 1 Việt Nam và châu Á về xuất khẩu các loại nước ép trái cây và thức uống bổ dưỡng, thì năm 2020, Tập đoàn TH đã xây dựng nhà máy sản xuất nước tinh khiết và chế biến nước quả, nước thảo dược; Nghệ An cũng đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng, xây dựng nhà máy chế biến nước quả công suất 40.000 – 60.000 tấn quả tươi/năm...
Nghê An có nguồn nông sản dồi dào, nhiều loại nông sản đã được đưa vào chế biến tập trung. Ảnh: Phú Hương

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai được một số chương trình xúc tiến thương mại khá hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ nông sản của người dân. Tổ chức cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản tham gia các hội chợ triển lãm, nhằm giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng cả nước và quốc tế. Chủ động tìm kiếm thị trường, kết nối đưa nông sản sạch vào các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước như BigC; Vincommerce; MM Mega Maket;… các hệ thống Cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm - Hà Nội; An Phú - Đà Nẵng… 

Đặc biệt, để nâng cao hình ảnh, thị hiếu và độ tin tưởng người tiêu dùng, chúng tôi đã tư vấn xây dựng mẫu bao bì, nhãn mác, tem truy xuất sản phẩm; xây dựng phần mềm sản xuất cấp mã Qr-code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 
Nông sản Nghệ An đã được xuất khẩu sang gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản… Tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt trên 343,22 triệu USD.
P.V: Tuy nhiên, vấn đề chế biến cũng như tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho nông sản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo đồng chí, chúng ta đang gặp những khó khăn, thách thức gì? 
Ông Nguyễn Văn Đệ: Hiện nay, quy mô sản xuất nông nghiệp của Nghệ An vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; các doanh nghiệp chế biến nhìn chung còn hạn chế về năng lực sản xuất, như vốn, công nghệ và thiết bị, lao động tay nghề cao, năng lực quản lý… dẫn đến giảm sức cạnh tranh trên thị trường. 
Thực tế, sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản của Nghệ An chưa phong phú, đa dạng, mẫu mã không hấp dẫn, chất lượng chưa cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa chưa lớn, phát triển thương hiệu chưa được chú trọng. Trong khi đó, khí hậu Nghệ An khá khắc nghiệt nên không thuận lợi để phát triển một số loại cây trồng. Có thể áp dụng công nghệ cao nhưng giá thành sản phẩm sẽ lên cao khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại với các địa phương khác. 
Nguồn nông sản phong phú chủng loại cả về thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: Phú Hương

P.V: Vậy trong những năm tới, Nghệ An chủ trương những giải pháp như thế nào để có thể nâng cao năng lực chế biến và tìm thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị cao cho nông sản, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đệ: Trước hết, trong sản xuất, chúng ta chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, công nghiệp, tạo khối lượng nông sản lớn, đáp ứng yêu cầu về chế biến. 
 Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản theo hướng phù hợp với thị trường và gắn với vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao. Lựa chọn các nhóm sản phẩm chủ lực Nghệ An có lợi thế như sữa chế biến, chè, gỗ mỹ nghệ, trà thảo dược, nước trái cây, gạo, thịt… để ưu tiên phát triển bằng nhiều loại hình công nghệ khác nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Tỉnh sẽ tập trung quy hoạch xây dựng một số tổ hợp công - nông nghiệp, các cụm công nghiệp chuyên ngành, các cụm liên kết ngành được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; trọng tâm ở vùng Phủ Quỳ và một số huyện miền Tây. Đồng thời phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp an toàn GAP, trong đó tập trung vào các vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn, gia cầm; vùng sản xuất rau quả; vùng nguyên liệu cây công nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín. 
Tháng 9/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản trên Sàn thương mại điện tử VOSO.VN của Tập đoàn Viettel. Đây được coi là xu thế tất yếu hiện nay, giúp cho các doanh nghiệp mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm ra các thị trường lớn, tạo điều kiện tiếp cận, kết nối dễ dàng giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng trên khắp mọi nơi trên cả nước; tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, minh bạch hóa về giá cả, chất lượng hàng hóa tiêu dùng với nhiều hình thức bán hàng có nhiều ưu điểm vượt trội. 
Đó là một trong những giải pháp đã được Nghệ An ưu tiên thực hiện và sẽ phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua báo, đài, Website, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường xuất khẩu sang thị trường các nước.
P.V: Xin cảm ơn ông!
 
Nguyễn Phú - St (Nguồn Báo Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây