TRIỂN LÃM THUỶ SẢN QUỐC TẾ VIỆT NAM

Thứ ba - 05/09/2023 22:24 253 0
TRIỂN LÃM THUỶ SẢN QUỐC TẾ VIỆT NAM
Ngày 23-8, lễ khai mạc Vietfish 2023 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (TP HCM), kéo dài đến ngày 25-8.
Với vị thế là nhà xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, Vietfish 2023 là sự kiện mang tầm quốc tế với hơn 420 gian hàng của hơn 220 doanh nghiệp (DN) đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ghi nhận, Vietfish lần này bùng nổ mảng chế biến sâu với hàng trăm loại thực phẩm ăn liền hoặc chỉ cần làm chín ăn ngay của các DN thủy sản trong nước. Cách đây chỉ vài năm, Vietfish hầu như chỉ trưng bày sản phẩm dạng nguyên liệu thô, báo giá khách hàng theo container hoặc đầu tấn thì nay nhiều gian hàng có luôn giá bán lẻ cho khách tham quan. 
Các sản phẩm chế biến hết sức phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu khiến người tiêu dùng bất ngờ về sức sáng tạo của các DN. Khách đến các gian hàng được mời thưởng thức sản phẩm của DN thay vì bánh kẹo hay trái cây như trước.
Gian hàng trưng bày sản phẩm chế biến Thuỷ sản
Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH Tài Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau), mang đến sự kiện 6 sản phẩm: thịt cua, thịt ghẹ, chà bông tôm, bột nêm tôm, chả tôm, tôm khô được khách hàng đón nhận nồng nhiệt. Ngoài khách mua lẻ, còn có DN tìm nhà cung cấp cho những đơn hàng xuất khẩu. 
Theo bà Trang, người tiêu dùng ngày nay rất bận rộn nên cần những sản phẩm ăn liền hoặc chỉ cần làm chín để ăn. Tuy nhiên, yêu cầu sản phẩm có nguyên liệu tốt và chế biến thành những món ngon hợp khẩu vị. Những sản phẩm chế biến sâu cũng có biên lợi nhuận tốt hơn so với bán thô.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, nhận định đây là cách tiếp cận mới của DN khi trình độ chế biến của ngành thủy sản Việt Nam được đánh giá cao hàng đầu thế giới và lợi thế nguyên liệu giá rẻ không còn. Không chỉ nguyên liệu tôm mà cá của Việt Nam cũng đang có giá thành cao hơn nhiều nước trên thế giới nên bắt buộc phải đi vào sản phẩm giá trị gia tăng. 
"Lợi thế của Việt Nam là tay nghề của người lao động cao, chịu khó, tuân thủ các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm của thế giới. Dù vậy, để phát triển bền vững, ngành nguyên liệu thủy sản Việt Nam cũng phải hạ giá thành để nâng cao thêm tính cạnh tranh" - ông Lĩnh bày tỏ.
Sau nhiều năm Việt Nam xuất khẩu, sản phẩm đã đi vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên có kinh nghiệm trong việc tổ chức, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm theo công thức của bên mua, nhiều DN Việt Nam còn có đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm, chủ động đưa ra những mẫu sản phẩm mới để tạo lợi thế cạnh tranh. Thủy sản không chỉ là thực phẩm cung cấp nguồn đạm mà còn kết hợp đa dạng nguyên liệu để tạo nên những bữa ăn tiện lợi cho người tiêu dùng.
(Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây