(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 35/CT-UBND ngày 23/11/2023 về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong tình hình bệnh dịch này đang diễn biến phức tạp tại các địa phương.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu huỷ trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8/2023 trở lại đây, đặc biệt tại các địa phương có tổng đàn lợn nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi lợn và không đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong các tháng cuối năm.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương; hiện có 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.
Nguyên nhân dịch xảy ra, nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; không chủ động mua vôi bột, hoá chất để khử trùng; tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi không có chốt kiểm soát dịch bệnh… Còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát triệt để theo quy định. Tình trạng ngập úng nhiều nơi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan…
Thực hiện Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Công văn số 8199/BNN-TY ngày 14/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt áp dụng nghiêm các giải pháp tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh.
Chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng của địa phương kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, mương, bãi rác...). Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch (kinh phí hoạt động đoàn liên ngành, tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh, kinh phí mua vật tư, vôi bột, hoá chất, vắc xin…); kinh phí triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi (lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dại chó mèo...; đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt) đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; đặc biệt tại các huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp như Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thanh Chương…
Các huyện được hỗ trợ vắc xin, chỉ đạo triển khai tiêm hết số lượng vắc xin được cấp; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin lở mồm long móng (nguồn tỉnh cấp) tại các huyện Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương.
Phân công lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, nhất là khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Hỗ trợ hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách theo chỉ đạo tại Công văn số 9496/UBND-NN ngày 03/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Công văn số 900/CNTY-HCTH.QLDB ngày 15/11/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc hướng dẫn hồ sơ hỗ trợ gia súc bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục.
Đối với các địa phương đang có dịch: Tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và tiêm phòng vắc xin tại các địa phương trong tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan thường trực trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng, chống dịch phù hợp; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin... xử lý dịch trong diện hẹp.
Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Các Sở: Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật. Tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch qua đường cao tốc Bắc - Nam, bán chạy động vật mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường...
Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi./.
Nguồn: https://baonghean.vn/
Ý kiến bạn đọc