(Baonghean.vn) - Qua đánh giá, có 30/36 hợp tác xã ở huyện Nghĩa Đàn hoạt động ở mức trung bình và hiệu quả cao. Đó là tín hiệu cho thấy đa số hợp tác xã ở địa phương này đang phát huy vai trò trong sản xuất, kinh doanh.
Nỗ lực nội tại của các hợp tác xã
Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn hiện đã trồng được 10 ha cây dược liệu, gồm các loại: An xoa hoa tím, cà gai leo hoa tím, xạ đen, khôi nhung tía… Đến tháng 11/2023, Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn đã có 22 sản phẩm chế biến hoàn toàn từ dược liệu tự nhiên, tham gia chuỗi tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch lớn trong và ngoài tỉnh… Tháng 11/2023, hợp tác xã này tham gia kết nối ghi nhớ hợp tác với siêu thị Go Vinh với mục tiêu hướng tới sản phẩm dược liệu Nghĩa Đàn lên kệ chuỗi siêu thị Go trên địa bàn cả nước.
Những kết quả trên là điều đáng ghi nhận, đối với một hợp tác xã mới hình thành và hoạt động trong vòng hơn 1 năm qua. Ông Ngô Quang Cảnh - Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn, chia sẻ: “Điều thuận lợi là rất nhiều hộ nông dân có quỹ đất, quyết tâm chuyển đổi cây trồng tham gia làm xã viên của hợp tác xã. Đến nay, hợp tác xã có 102 xã viên. Các cây dược liệu bước đầu cho thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Nghĩa Đàn, sinh trưởng và phát triển rất tốt. 1 ha cà gai leo có thể cho năng suất đạt từ 30-35 tấn/ha/năm, thu hoạch 3-4 lần/năm; các cây dược liệu lâu năm như xạ đen, khôi nhung,… thời gian trồng càng dài, dược tính trong cây càng cao. HTX sẽ tổ chức đánh giá chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế cụ thể của từng đối tượng dược liệu để làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các thành viên”.
Sự phát triển của Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn ghi nhận sự nỗ lực nội tại khi các thành viên nòng cốt đã huy động trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng cùng với dây chuyền chiết xuất, cô đặc dược liệu hiện đại. Đến nay, tổng giá trị của hợp tác xã này đạt trên 5 tỷ đồng. Theo dự kiến, hợp tác xã sẽ phát triển vùng dược liệu trên 100 ha bằng cách huy động các hộ có diện tích đất rừng, đất trồng cây hàng năm, chuyển đổi trồng các loại cây dược liệu tham gia chuỗi giá trị.
Đánh giá của UBND huyện Nghĩa Đàn cho thấy trong 36 hợp tác xã trên địa bàn huyện, có 30 đơn vị hoạt động trung bình và hiệu quả cao. Các hợp tác xã trong huyện có 2.898 thành viên và khoảng 900 lao động làm việc thường xuyên. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã trên 152 tỷ đồng. Nguồn vốn trên chủ yếu huy động sự góp vốn của các thành viên hợp tác xã. Một số hợp tác xã bước đầu mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đổi mới sản xuất theo chuỗi giá trị
Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có một số hợp tác xã đã mạnh dạn tăng cường liên kết như: Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp xã Nghĩa Thịnh liên kết cây ngô sinh khối với diện tích mỗi vụ khoảng 102 ha, năng suất 35 tấn/ha; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu Nghĩa Mai, Nghĩa Phú liên kết sản xuất cây mía nguyên liệu với gần 100 ha, năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha, sản lượng liên kết đạt 6.000 tấn; Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Nguyên liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa lưới với diện tích gần 5 ha, năng suất 35 tấn/ha/vụ (2 vụ/năm), sản lượng 350 tấn/năm; Hợp tác xã dược liệu Nghĩa Đàn liên kết trồng và chế biến dược liệu...
Trên thực tế, đa số hợp tác xã ở Nghĩa Đàn đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp (32/36 hợp tác xã toàn huyện). Quá trình chuyển đổi hoạt động, do nhiều nguyên nhân nên khả năng phát huy vai trò cũng như huy động nguồn lực mở rộng sản xuất gặp không ít khó khăn. Nhiều hợp tác xã còn lúng túng trong chuyển đổi theo phương thức sản xuất mới gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết hợp tác xã đang mượn đất của UBND xã để làm trụ sở làm việc hoặc lấy nhà của gia đình thành viên làm trụ sở. Mới chỉ có 2 hợp tác xã được cấp đất làm trụ sở, kho bãi kinh doanh.
Trước thực tế đó, huyện Nghĩa Đàn đang tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã phát triển hiệu quả. Bên cạnh các cơ chế khuyến khích của Trung ương, tỉnh, huyện xây dựng các cơ chế hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Cùng đó, hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã và thành viên hợp tác xã gắn với việc tham quan, học tập các mô hình tiêu biểu cho cán bộ hợp tác xã. Huyện cũng nhân rộng việc thí điểm đưa cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại các hợp tác xã theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 và Kế hoạch số 2308/QĐ-UBND ngày 08/6/2018 của UBND tỉnh Nghệ An.
Huyện Nghĩa Đàn cũng phối hợp với các cấp, ngành bồi dưỡng về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho các thành viên là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình khuyến nông; các chương trình, dự án và qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, huyện gắn trách nhiệm đào tạo của doanh nghiệp có liên kết để đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh phát huy nội lực của các thành viên, xã viên các hợp tác xã, huyện Nghĩa Đàn cũng đề ra giải pháp huy động các nguồn lực từ các đoàn thể xã hội; nguồn vốn vay từ các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân, các tổ chức tín dụng; vốn của doanh nghiệp để mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã. Cùng đó, kịp thời huy động nguồn lực cho sự phát triển các hợp tác xã từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hỗ trợ phát triển hợp tác xã, lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án, dự án, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã. Trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tập thể ở nông thôn mà nòng cốt là các hợp tác xã.
Nguồn: https://baonghean.vn/
Ý kiến bạn đọc