Trước thềm năm mới 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ với Lao Động về những yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.
Thưa Bộ trưởng, năm 2023 khép lại với những thành tựu đáng khích lệ của ngành nông nghiệp: Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỉ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỉ USD, là mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả tăng trên 70%, gạo tăng trên 36%. Đặc biệt, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân “gạo ngon nhất thế giới”. Từ kết quả của năm 2023, ngành nông nghiệp đặt những mục tiêu gì cho năm 2024?
- Năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, ngoài các mục tiêu khác, cần tiếp tục chú trọng 2 mục tiêu trọng yếu: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp.
Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, cần làm sâu sắc và lan tỏa tư duy kinh tế, làm sao trên 1 đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp, mà tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó cộng hưởng thêm giá trị.
Thực tế là thời gian qua, nông nghiệp du lịch đã chứng minh cho thấy lợi nhuận tăng gấp 5-6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn. Cũng trên miếng vườn đó, người nông dân sắp xếp nhà cửa chỉn chu, biết nấu nướng, trau chuốt lại lời ăn tiếng nói, biết kể câu chuyện cho du khách… thì lợi nhuận thu được sẽ tăng cao.
Cụ thể như câu chuyện làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp trước đây nông dân chỉ bán trong ngày Tết ngày rằm, nay thu hẹp lại không gian một chút, làm thêm điểm dừng nghỉ cho du khách đã mang lại giá trị lớn hơn. Cái vô hình mà chúng ta chưa khai thác nhiều khi có giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi.
Về vấn đề thứ hai là tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp, những cụm từ như Du lịch nông nghiệp, Nông nghiệp giải trí, Nông nghiệp thời trang, Nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp thông minh…, tư duy từng năm một cần phải thay đổi, mà phải nghĩ cho 5 năm sau, thậm chí 10 năm sau.
Tư duy về tăng trưởng cũng cần phải thay đổi, bởi nếu muốn đạt số tăng trưởng mà ra biển đánh bắt hải sản về để đạt chỉ tiêu thì sẽ sinh ra hệ lụy. Có những kết quả đong, đo, đếm được bằng số liệu, nhưng có những cái không đo, đếm được, có thể chưa thể hiện được cho tăng trưởng năm 2024 nhưng có thể tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2025.
Nói một cách đơn giản nhất là những gì đang làm thì phải làm cho tốt, đồng thời phải chuẩn bị cho những thứ tốt hơn nữa: Liên kết lại để các ngành hàng bền vững, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ…
Thị trường trong nước hay ngoài nước cũng đều là thị trường, làm sao tiêu thụ được nông sản cho bà con nông dân với giá tối ưu, nông dân bán giá 10 đồng trừ chi phí sản xuất 9 đồng thì lãi 1 đồng, nhưng trường hợp chỉ bán với giá 8 đồng, chi phí sản xuất chỉ hết 6 đồng thì lãi 2 đồng. Kinh tế là ở chỗ đó, kinh tế là bài toán trừ chứ không phải chỉ ở đầu ra, thực tế đo lường được thu nhập của người nông dân mới là quan trọng.
Thưa Bộ trưởng, trong giai đoạn tới, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh đang là xu thế và là yêu cầu khắt khe của thế giới, ngành nông nghiệp cần làm gì để đáp ứng tiêu chí này?
- Nói tư duy xanh nhưng có lẽ chúng ta ít hiểu đây thực sự là gì. Thực ra chữ “xanh” đi sau chữ “nâu”. Trước đây ta nói nền kinh tế “nâu” - nền kinh tế mà vì sự phát triển làm biến dạng môi trường. Để phục vụ cuộc sống của con người chúng ta đã khai thác và nghĩ là chúng ta làm vậy là để nuôi sống con người mà không biết rằng đang tạo ra sự biến dạng về mặt môi trường, biến dạng về mặt đa dạng sinh học.
Con người không thể tồn tại mà không có môi trường xanh xung quanh. Đó là oxy, là bóng mát chúng ta đang hưởng thụ. Đã có thời chúng ta nghĩ rằng, muốn phát triển thì phải đánh đổi, hy sinh, nhưng giờ cần phải hành động xanh để sản xuất xanh, cân bằng giữa sự phát triển với hệ sinh thái, môi trường tự nhiên. Thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, Đề án thủy sản phát triển bền vững, thì chữ “bền vững” đó chính là mục tiêu và giải pháp.
Cần phải thấy được rằng, trong xuất khẩu đồ gỗ, viên nén châu Âu quy định EUDR truy xuất nguồn gốc, hôm nay chỉ xem sản phẩm của nước xuất khẩu có vi phạm phá rừng hay không, nhưng ngày mai người ta có thể xem xét đến các vấn đề cao hơn: Khi sản xuất gỗ nhà sản xuất có dùng năng lượng hóa thạch hay không, vì sử dụng năng lượng này đã ảnh hưởng đến môi trường.
Như vậy, câu chuyện bây giờ không phải chỉ là mua một sản phẩm, mà còn là mua cách tạo ra sản phẩm đó. Thế giới đã đặt trên bàn nghị sự chuẩn bị xem nguồn gốc tạo ra sản phẩm đó, ví như có sử dụng lao động trẻ em không, sản xuất có ảnh hưởng môi trường hay không, gây biến đổi khí hậu hay không? Không chỉ trực tiếp sản phẩm đó, mà còn các yếu tố tác động tạo ra sản phẩm đó, trong đó đặc biệt là năng lượng. Cả thế giới đã giảm nhiệt điện để giảm phát thải, nếu truy xuất ra nhà sản xuất vẫn sử dụng thì sẽ không mua nữa. Có thể hôm nay điều này chưa xảy ra nhưng chắc chắn điều này đã được đặt trên bàn nghị sự của Liên minh châu Âu và của các quốc gia khác.
Hiện nay, EU truy xuất đồ gỗ, cà phê, cao su, điều… có trồng ở quốc gia vi phạm phá rừng không, nhưng sắp tới họ sẽ truy xuất cả gỗ mà chúng ta nhập về để làm nguyên liệu - truy xuất xem nước xuất khẩu gỗ sang Việt Nam có vi phạm phá rừng hay không. Chúng ta phải thích ứng với xu thế thay đổi và phải thấy rằng: Xu hướng xanh hóa toàn cầu là một xu thế không thể đảo ngược và Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng cam kết.
Thưa Bộ trưởng, để đáp ứng xu thế này, ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì?
- Từ tư duy xanh đến hành động xanh và lối sống xanh bắt đầu được chuyển vào hệ thống giáo dục, đi vào các trường học từ lứa tuổi nhỏ nhất như mẫu giáo. Tư duy này cho chúng ta đào tạo nên những ngành nghề phù hợp, sản phẩm phẩm xanh là sản phẩm cuối cùng chúng ta đóng góp cho xã hội.
Vì vậy, cần giáo dục về tình yêu thiên nhiên, môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường như một phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục về môi trường mới bắt đầu nên nhiều khi đề cập đến vấn đề này, nhiều người - đặc biệt là nông dân, cho rằng vấn đề này xa vời quá, huyễn hoặc quá, họ không hiểu và không cho rằng trồng nhiều, nuôi nhiều lại có thể gây biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, vai trò truyền thông rất quan trọng, phải giáo dục từ từ, không thể năm nay nói xanh thì năm sau sẽ xanh.
Việt Nam là đất nước đang phát triển, đồng hành cùng thế giới và thế giới đang bắt đầu có những nguồn lực tài trợ cho Việt Nam để bảo vệ môi trường, tăng trưởng “xanh”. Nhưng dù tài trợ bao nhiêu đi nữa nhưng nếu Việt Nam không vượt qua được tư thế đối phó thì sẽ không thành công.
Cần phải thấy rằng, trước sau gì cũng phải đổi mới, phải “xanh hóa”, quốc gia nào đi trước sẽ thành công trước. Ủy ban châu Âu (EC) rất tôn trọng Việt Nam vì Việt Nam đã chủ động sang EU bàn bạc về vấn đề này. EC đánh giá cao về hành động này và đánh giá Việt Nam là quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết này và họ sẽ có nghĩa vụ với chúng ta để cấu trúc lại thị trường xanh. Bởi, như tôi đã nói ở trên, xu hướng xanh hóa là xu hướng không đảo ngược được.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: https://laodong.vn/
Ý kiến bạn đọc