Hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tự công bố sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa;
Căn cứ Thông tư số 29/2023/TT-BYT ngày 30/12/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An hướng dẫn một số nội dung liên quan đến sản phẩm thuộc diện tự công bố, ghi nhãn sản phẩm thuộc phạm vi ngành Nông nghiệp và Môi trường quản lý:
1. Về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa
1.1. Quy định chung về nhãn hàng hóa: Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP thì:
"1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
a) Tên hàng hóa;
b) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;
c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
3. Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
a) Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
b) Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này."
1.2. Quy định về ghi nội dung thành phần dinh dưỡng
Theo quy định tại Thông tư số 29/2023/TT-BYT thì các loại thực phẩm bao gói sẵn được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam (trừ: Nguyên liệu, thực phẩm không bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bao gồm cả đá thực phẩm; Thực phẩm có một thành phần nguyên liệu duy nhất; Nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; Muối thực phẩm, muối tinh; Giấm ăn và các chất thay thế cho giấm bao gồm cả loại chỉ bổ sung hương liệu; Hương liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Men (enzym) thực phẩm; Chè, cà phê không chứa thành phần bổ sung khác trừ phẩm màu, hương liệu; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Đồ uống có cồn; Thực phẩm quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP; Thực phẩm do cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ sản xuất quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP) phải thực hiện ghi nội dung thành phần dinh dưỡng, bao gồm các nội dung:
"1. Thực phẩm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam thực hiện ghi các thành phần dinh dưỡng sau đây:
a) Năng lượng;
b) Chất đạm;
c) Carbohydrat;
d) Chất béo;
đ) Natri.
2. Nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường và thực phẩm cho thêm đường khác: thực hiện ghi 05 thành phần dinh dưỡng nêu trên và đường tổng số.
3. Thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán: thực hiện ghi 05 thành phần dinh dưỡng nêu trên và chất béo bão hoà.
4. Đối với thực phẩm không chứa hoặc có chứa thành phần dinh dưỡng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này nhưng giá trị dinh dưỡng của thành phần đó nhỏ hơn giá trị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này thì không bắt buộc phải ghi thành phần dinh dưỡng đó trên nhãn thực phẩm."
2. Về tên sản phẩm hàng hóa:
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì:
"Tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.
Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.
Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)."
Như vậy, tên sản phẩm có thể chứa tên thành phần nguyên liệu được sử dụng. Tuy nhiên, tên sản phẩm không được chứa các nội dung làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa là thực phẩm thông thường (không phải là thực phẩm bảo vệ sức khỏe) thì tên sản phẩm không được chứa các nội dung làm hiểu sai lệch về công dụng như "giải độc gan", "an thần", "giảm tiểu đường",…
3. Đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố và đăng ký bản công bố
3.1. Sản phẩm thuộc diện tự công bố (Cơ sở tự thực hiện công bố sản phẩm)
a) Các loại sản phẩm phải thực hiện tự công bố:
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì các loại sản phẩm thuộc diện tự công bố là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (trừ các sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước và các sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm).
b) Trình tự thủ tục tự công bố sản phẩm:
Thực hiện quy định tại Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Cần chú ý một số điểm:
1. Hồ sơ tự công bố sản phẩm: Quy định tại điểm a, b, Khoản 1, Điều 5;
2. Tự công bố sản phẩm được thực hiện theo trình tự: Quy định tại điểm a, b,c, Khoản 2, Điều 5;
3. Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm tự công bố.
4. Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.
3.2. Sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì các loại sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm gồm:
"1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
3. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định."
Để xác định một sản phẩm là thực phẩm thông thường hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe: căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định quy định rõ:
"Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:
a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
b) Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;
c) Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm a và điểm b trên đây.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ."
Cơ sở cần xác định sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm hoặc phải đăng ký bản công bố sản phẩm đúng quy định.
Để thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tự công bố sản phẩm, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An kính đề nghị:
- UBND các phường/xã, tỉnh Nghệ An hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện;
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sản phẩm thuộc diện tự công bố phải thực hiện nghiêm túc các quy định về tự công bố sản phẩm theo đúng quy định. Trường hợp vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của nhà nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, cần làm rõ, đề nghị cơ sở liên hệ đồng chí Nguyễn Đức Phú, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An (địa chỉ: số 10A đường Trần Huy Liệu, phường Trường Vinh, tỉnh Nghệ An; điện thoại số 0946.234.239) để được hướng dẫn.