Trong năm 2022, trước tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, cây trồng và ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cơ quan, ban ngành từ cấp Trung ương, tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ngay từ đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm. Nêu cao vai trò của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tham quan gian hàng sản phẩm tại Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022
Trong năm 2022, các đơn vị trực thuộc Sở đã tổ chức 90 cuộc tập huấn về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với sự tham gia của 2.989 người, 13 cuộc hội thảo với sự tham dự của 400 đại biểu. In và phát hành 1.400 bản tin về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông sản và khuyến nông; 19.950 tờ rơi tuyên truyền về công tác kiểm soát giết mổ, Vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; 1.100 cuốn tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; 126 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu năm 2022. Tổ chức 48 chương trình Nhịp cầu nhà nông truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh Nghệ An;.... Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước về an toàn thực phẩm đã nâng cao nhận thức, hiểu biết của chủ cơ sở, người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh VTNN, thực phẩm nông lâm thuỷ sản và người tiêu dùng đã nhận thức được việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, trong 2022, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã triển khai các Đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả: Tham gia 03 đoàn liên ngành của tỉnh và tổ chức 42 cuộc thanh tra, 128 cuộc kiểm tra tại 1.824 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 133 cơ sở với số tiền phạt 887.510.000 đồng.
Ngoài ra, tiến hành thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT cho 998 cơ sở, trong đó: 342 cơ sở thẩm định xếp loại và 656 cơ sơ thẩm định định kỳ. Xếp loại: 13 cơ sở loại A và 984 cơ sở xếp loại B; 01 cơ sở xếp loại C. Cấp 342 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Thanh tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng 13 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (08 mô hình trồng trọt với diện tích 118.5 ha, 05 mô hình chăn nuôi với quy mô 700 con lợn thịt/năm, 5.000 con gà thịt/năm, 700 con bò thịt/năm, 100 con bê đực sữa HF, 300 con bồ câu).
Hỗ trợ 02 mô hình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, 03 mô hình chuyển giao quy trình công nghệ chế biến nông lâm thủy sản. Nội dung hỗ trợ tập huấn chuyển giao công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm; hỗ trợ chứng nhận HACCP, hỗ trợ máy chế biến, đóng túi, bao bì, nhãn,...
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến công tác sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành làm việc với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản để nắm bắt ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tham mưu UBND tỉnh giải pháp tiêu thụ sản phẩm và thảo gỡ những khó khăn cho các cơ sở. Cụ thể: Làm việc với Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, Phòng Nông nghiệp và PTNT và HTX Nông nghiệp, tiêu thủ công nghiệp Hương Sơn và giới thiệu các doanh nghiệp thu mua gừng để thoái gỡ khó khăn trong quá trình tiêu thụ gừng cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Kiểm tra, khảo sát vùng sản xuất dứa tập trung tại xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm với các kênh tiêu thụ của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao bao tiêu sản phẩm ổn định cho người trồng dứa tại Tân Thắng - Quỳnh Lưu. Mời Công ty TNHH Thực phẩm Thiên Nhiên Xanh (trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) và các đối tác tại Thành phố Hồ Chí Minh về khảo sát, làm việc với các đơn vị sản xuất rau củ quả tại vùng sản xuất rau Quỳnh Lưu, Diễn Châu để ký kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đây là hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ký kết với các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông nghiệp Nghệ An lên sàn VOSO; POSTMART, phối hợp các sàn thương mại tập huấn nghiệp vụ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cách đưa sản phẩm và kinh doanh sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 350 cơ sở.
Tổ chức 35 cơ sở sản xuất các sản phẩm nông lâm thủy sản với 26 gian hàng tham gia tại các Hội chợ tại thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Tổ chức các đoàn thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, thành phố Hà Nội
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của Trung ương và UBND tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố về lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường công tác thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP; phát triển mạng lưới thị trường, tiếp cận các thị trường, thảo gỡ các khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ ổn định;....