Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin từ cuộc họp giao ban kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn tháng 2 và hai tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 29/2. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp cùng với Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Hoàng Trung.
Trong tháng 2, Bộ tập trung chỉ đạo các đơn vị đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết, đảm bảo hàng hóa dồi dào không có biến động giá cả lương thực thực phẩm giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu xuất khẩu và thặng dư đạt kỷ lục so với nhiều năm vừa qua.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu 7,16 tỷ USD, trong đó xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2 đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 16,5% so với tháng 1; trong đó, nông sản chính đạt 2,34 tỷ USD (tăng 21,6% so với tháng 2/2023), lâm sản chính đạt 1,34 tỷ USD (tăng 40,3%), thủy sản đạt 620 triệu USD (tăng 1,9%), chăn nuôi đạt 34 triệu USD (tăng 6,2%), đầu vào sản xuất 142 triệu USD (giảm 7,4%).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp giao ban công tác tháng 2 và hai tháng đầu năm
Về sản xuất trồng trọt, trong tháng 2, các địa phương tập trung gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ Đông Xuân; các tỉnh miền Bắc tranh thủ thu hoạch các loại cây rau màu vụ Đông và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ Xuân. Tính đến trung tuần tháng 2, cả nước gieo cấy 2,64 triệu ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích lúa thu hoạch 598,3 nghìn ha, giảm 2,2%; năng suất bình quân 53,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng trên diện tích thu hoạch 3,2 triệu tấn, giảm 1,3%.
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lĩnh vực chăn nuôi đã đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, người nuôi mở rộng quy mô đàn để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu cho Tết Nguyên đán và các Lễ hội đầu năm, không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt. Chăn nuôi trâu, bò tiếp tục giảm, với ước tính đến cuối tháng 2, đàn trâu giảm 2,6%, đàn bò giảm 0,1%; đàn lợn tăng khoảng 4,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 2, lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây theo Chỉ thị của Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng.
Về thủy sản, do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên bà con tận thu sản lượng thủy sản nuôi trồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời thực hiện vệ sinh, cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới; khai thác giảm do thời gian bám biển của ngư dân giảm. Sản lượng thủy sản tháng 2 đạt 622 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 02 tháng 1,2 triệu tấn, tăng 1,7%.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, để nhiệm vụ tháng 3 đạt kết quả tốt cần tập trung giải quyết 04 hạn chế. Đó là, thời tiết năm 2024 dự báo thực sự không thuận lợi, chính vì vậy cần theo dõi dự báo chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất. dịch bệnh phải chủ động theo dõi dự báo và có giải pháp nếu dịch bệnh xuất hiện để giảm thiểu thiệt hại. thứ ba là vấn đề thị trường, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu khơi thông thị trường. Cuối cùng là tiếp tục tổ chức lại sản xuất để có những giải pháp hiệu quả. Theo dõi biến động thị trường quốc tế, chính sách của các nước để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau Tết người dân bắt đầu tăng đàn nên Cục sẽ có các biện pháp đảm bảo nguồn vốn để bà con tăng gia sản xuất. Trước Tết giá lợn thấp thì nay đã tăng trở lại trong tháng 2 đảm bảo người chăn nuôi có lãi. Cuối năm 2023, thị trường sản phẩm chăn nuôi có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt thị trường sản phẩm Halal đang được quan tâm, do đó Bộ cần xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm này để thúc đẩy xuất khẩu. Chăn nuôi lợn ảnh hưởng lớn đến CPI, hiện nay lợn hơi có giá 46.000 – 50.000 đồng/kg người chăn nuôi có lợi, nếu đảm bảo tốt vấn đề an toàn dịch bệnh như hiện nay thì ngành chăn nuôi có thể yên tâm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Cục Thú y về kiểm soát tình hình dịch bệnh TLCP, giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để chúng ta xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi và có lộ trình cụ thể cùng với địa phương, doanh nghiệp với mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu, giảm bớt áp lực từ thị trường trong nước khi cung vượt cầu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Thú y trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc