Đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp

Thứ ba - 29/11/2022 19:18 682 0
Đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp
Những năm qua, công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã được các bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án). Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
 

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn

Theo mục tiêu Đề án đưa ra, giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu làm sẵn, ăn liền tăng 10%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp; 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP
Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp, hiện nay, nền nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ cơ sở sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế chất lượng, an toàn còn thấp; tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế chưa cao; sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng chưa đồng đều, thiếu ổn định, thất thoát sau thu hoạch còn lớn; vi phạm về an toàn thực phẩm, lô hàng bị trả về tuy giảm nhưng còn ở mức cao; hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn chưa cập nhật kịp thời theo chuẩn mực quốc tế; tổ chức bộ máy các cấp chưa đầy đủ, thiếu ổn định…

Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã xây dựng Đề án và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt. “Chúng tôi mong muốn Đề án được triển khai rộng rãi sẽ phát huy tốt những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, góp phần đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới” - ông Tiệp chia sẻ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo quyết định phê duyệt Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các tỉnh, thành phố tập trung triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản. Triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP của Việt Nam và thị trường nhập khẩu cho tất cả các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt ưu tiên các tiến bộ kỹ thuật liên quan đến nâng cao chất lượng giống, áp dụng các công nghệ sản xuất “xanh, sạch” theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh việc chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện, Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp căn cơ để triển khai đồng bộ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Cụ thể: hoàn thiện cơ chế chính sách, lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025; phối hợp, huy động các nguồn lực Nhà nước và xã hội trong bảo đảm chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản; đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản Việt; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực và kinh nghiệm bảo đảm chất lượng, ATTP và thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. 

Với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Đề án, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành liên quan và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện Dự án xây dựng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chất lượng, ATTP và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật kiểm nghiệm, kiểm tra, giám định phục vụ Nhà nước về chất lượng, ATTP; xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện các Chương trình phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội ngành hàng... trong công tác bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, cập nhật hệ thống chính sách pháp luật theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn ngành nông nghiệp nước ta. Đồng thời, tổ chức phổ biến, cập nhật kịp thời quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thông tin thị trường về chất lượng, ATTP tại Việt nam và nước xuất khẩu. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết: “Chúng tôi đã và đang hỗ trợ thí điểm, nhân rộng nâng cấp các chuỗi liên kết cung ứng nông lâm thủy sản an toàn thành các chuỗi giá trị ngành hàng chất lượng, an toàn, bền vững. Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng, hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao”.

(Phòng QLCL - st (Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doi-moi-tu-duy-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-i299951/))

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây