Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tại cuộc họp giao ban tháng 8/2023 diễn ra sáng 30/8 tại Hà Nội, lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6.564,7 nghìn ha lúa, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái; đã thu hoạch 4.279,4 nghìn ha, giảm 1% với năng suất bình quân đạt 64,3 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng thu hoạch 27,5 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Cả nước gieo trồng 775,1 nghìn ha ngô, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái; 75,8 nghìn ha khoai lang, giảm 4,7%; 26,5 nghìn ha đậu tương, giảm 0,6%; 137,6 nghìn ha lạc, giảm 4,1%. Do tiêu thụ tốt, người dân mở rộng diện tích gieo trồng nên rau đậu đạt 942,5 nghìn ha, tăng 1,9%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng quay trở lại tại một số địa phương. Tính đến cuối tháng 8, đàn trâu giảm khoảng 1,9%, đàn bò tăng khoảng 0,5%, đàn lợn tăng 3,3%, đàn gia cầm tăng 2,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, thời tiết tiếp tục nắng nóng làm giảm tiến độ trồng rừng mới; hoạt động khai thác gỗ cũng giảm do doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Lũy kế 8 tháng, cả nước chuẩn bị trên 761,2 triệu cây giống; trồng được 151,8 nghìn ha rừng, giảm 3,3%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 12.357,4 nghìn m3, tăng 2,9%.
Với lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng tăng khá do đang là thời điểm thu hoạch, tàu thuyền hạn chế ra khơi do đang là mùa mưa bão. Lũy kế 8 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,9 triệu tấn, tăng 1,9%. Trong đó sản lượng khai thác đạt 2,63 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,3 triệu tấn nghìn tấn, tăng 3,2%.
Cũng theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 59,69 tỷ USD, giảm 11,04% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%; nhập khẩu đạt 26,48 tỷ USD, giảm 12,9%; xuất siêu 6,72 tỷ USD.
Do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Trong đó, nhóm thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%.
Một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: Nông sản 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.
Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, từ nay đến hết năm còn 4 tháng nữa, mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội giao hết sức nặng nề, tăng trưởng 3 - 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 54 - 55 tỷ USD. Điều này đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu; tác động và tập trung vào các nhóm hàng mà chúng ta còn dư địa, tranh thủ tối đa cơ hội để mở rộng thị trường đối với ngành hàng lúa gạo nhưng có kiểm soát, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia hay như sản phẩm rau quả; gỗ và sản phẩm gỗ… cũng còn nhiều tiềm năng.
Cũng theo ông Long, đối với các nhiệm vụ cụ thể, tới đây sẽ tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ về các chương trình, đề án, văn bản theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đăng ký; tập trung thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thể hiện sự đồng bộ hóa về công tác tổ chức, định hướng sản xuất và phát triển kinh doanh để đạt hiệu quả cao, tối đa lợi nhuận; hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả, tích hợp đa giá trị…
Theo Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp, tình hình thị trường nông sản trong tháng qua nổi lên là việc cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Công thương để có định hướng điều hành thị trường gạo trong nước trong ngắn hạn và dài hạn.
"Vừa qua có 2 đoàn thanh tra của châu Âu và Mỹ đã kiểm tra hệ thống thủy sản Việt Nam. Kết quả cũng có một số vấn đề mà đoàn châu Âu họ phát hiện ra và đề nghị chúng ta phải nghiêm túc xử lý. Tuy nhiên cũng duy trì ở mức không ảnh hưởng gì đối với xuất khẩu thủy sản. Còn về đoàn thanh tra của Mỹ, cơ bản là đánh giá tốt, chỉ có vài lỗi không đáng kể, đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu thủy sản sang Mỹ", ông Tiệp nói thêm.
Kết luận tại giao ban, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đến thời điểm này những gì khó khăn vẫn còn đó, dù đã cải thiện rồi, tuy nhiên nếu nhìn theo chiều hướng nào đó thì những mặt tích cực vẫn lấn át khó khăn. Xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kỷ lục trong thời gian dài, với một số mặt hàng đã vươn lên chiếm lĩnh được thị trường quan trọng, tuy nhiên thủy sản và lâm sản còn mờ nhạt".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo, trong tháng 9 cần tập trung hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT; cần quan tâm đến việc sử dụng công trình thủy lợi, hệ thống thủy lợi; tiếp tục tái cấu trúc ngành hàng, cùng với các cục chuyên ngành làm sao xây dựng được hệ sinh thái ngành hàng, phát huy cho các ngành hàng như sầu riêng, các ngành hàng nông sản; mạnh dạn rà soát lại hiệu quả, tính khả thi của các đề án...
Ý kiến bạn đọc