Nông sản Việt chú trọng thị trường trong nước

Thứ năm - 23/06/2022 20:20 248 0
Nông sản Việt chú trọng thị trường trong nước

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, thị trường trong nước là khu vực có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản, nhưng chưa được doanh nghiệp khai thác triệt để và hiệu quả.

Trong khi đó, theo thông tin từ một số tỉnh biên giới phía bắc, vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua các cửa khẩu vẫn ùn ứ nhiều xe chở nông sản. Điều này một lần nữa đòi hỏi nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, giảm áp lực xuất khẩu trong những thời điểm khó khăn.

Người tiêu dùng quan tâm các sản phẩm gạo đóng gói của doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh Hải Trần)


Bỏ ngỏ tiềm năng

Dạo một vòng quanh các siêu thị lớn, nhỏ, không khó nhận ra một thực tế là nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu đang được người tiêu dùng ưa chuộng hơn hàng trong nước. Cầm trên tay giỏ trái cây nặng trĩu, toàn hàng nhập khẩu được chọn tại siêu thị Winmart, chị Trần Thị Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Tôi thường chọn sản phẩm trái cây nhập khẩu vì đồng đều về chất lượng, mẫu mã. Mỗi lần mua hàng chỉ cần chọn đúng nhãn hiệu đó là yên tâm. Mua bán cũng nhanh chóng, thuận lợi, đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều. Với trái cây Việt Nam, tôi có mua theo mùa vụ hoặc đặc sản các vùng, miền nhưng thật sự cũng không mua thường xuyên do phần lớn phải lựa chọn mẫu mã từng quả, trong khi về chất lượng như độ ngọt, độ giòn... của từng loại quả thường không đều nhau theo từng lô hàng.

Đối với mặt hàng phổ biến là gạo, các doanh nghiệp cũng chủ yếu tập trung nguồn lực cho xuất khẩu, chưa chú trọng thị trường trong nước. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) Phạm Minh Thiện thừa nhận: Sản phẩm gạo đang bỏ lỡ thị trường đầy tiềm năng trong nước. Nguyên nhân một phần là do công ty chủ yếu bán gạo đóng túi, có nhãn hiệu, phân phối qua các kênh siêu thị cho nên chưa tiếp cận được lượng lớn và đa dạng khách hàng. Trong khi đó, tại siêu thị, người tiêu dùng lại có rất nhiều lựa chọn từ các nhãn hiệu gạo khác nhau, nên nếu muốn đẩy mạnh tiêu thụ gạo của công ty mình thì đồng nghĩa với việc phải “chạy” một chiến lược quảng bá rộng rãi, dài hơi.

Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính không nhỏ, nên nếu tính trên lợi nhuận thu lại thì nhiều công ty còn e dè. Ngoài ra, vấn đề làm đau đầu nhiều công ty sản xuất gạo hiện nay khi phát triển thị trường trong nước chính là nạn gạo giả tràn lan. Công ty từng nghe phản ánh từ người tiêu dùng về việc gạo của đơn vị mình không bảo đảm chất lượng, và khi kiểm tra thì phát hiện miệng túi đã bị tháo dây để “tráo gạo” khác vào bên trong. Thậm chí, sản phẩm còn bị làm giả hoàn toàn. Thiệt hại từ những sự vụ như thế này thường rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín nên dần dần công ty cũng “ngại” đầu tư mở rộng thị trường trong nước.

Riêng mặt hàng thủy sản thì thị trường trong nước còn quá nhiều dư địa, nhưng doanh nghiệp cũng chưa mặn mà khai thác mặc dù thời gian gần đây nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản của người dân tăng khá cao. Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết: Khi so sánh lợi thế về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, có một số lý do khiến công ty thủy sản chưa đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Cụ thể như, khi đưa hàng vào siêu thị, công ty thường không được thanh toán tiền ngay mà phải chờ khoảng một tháng. Còn đối với xuất khẩu thì việc hoàn tất giao dịch thanh toán rất nhanh chóng và tiện lợi. Bên cạnh đó, thủy, hải sản hầu hết là hàng bảo quản đông lạnh, nếu tại các kệ bán của người nước ngoài, nhân viên thường xuyên đảo hàng từ chỗ lạnh nhiều sang lạnh vừa, lạnh ít để giữ ổn định chất lượng sản phẩm thì siêu thị trong nước lại ít quan tâm.

Việc này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng. Một nguyên nhân nữa là siêu thị trong nước hay có hình thức khuyến mãi, giảm giá... cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc định giá bán sản phẩm, nhiều trường hợp ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu rất minh bạch, rõ ràng, nhanh chóng và tiện lợi trên cơ sở bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Chính vì vậy, doanh nghiệp thường tập trung mọi nguồn lực để phát triển xuất khẩu.

Nông sản Việt chú trọng thị trường trong nước -0
Nhu cầu trái cây, rau củ của người tiêu dùng trong nước đang rất lớn. (Ảnh HẢI HIẾU) 

Khơi thông thị trường trong nước

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, thị trường gần 100 triệu dân là niềm mơ ước của bất kỳ nhà phân phối hàng hóa nào. Nếu khai thác và bán được nông sản trong nước với số lượng lớn và ổn định thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu, nhất là trong những thời điểm thị trường thế giới có biến động lớn như trong bối cảnh dịch Covid-19. Thí dụ cụ thể nhất là mặt hàng vải thiều tại tỉnh Bắc Giang. Năm 2021, vào đúng thời điểm thu hoạch rộ vải thiều, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu.

Do đó, tỉnh đã chú trọng đến thị trường nội địa. Nhờ các kênh tiêu thụ nội địa, thông qua các sàn thương mại điện tử như Voso.vn và Postmart.vn, vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ thành công vượt bậc tại thị trường trong nước, chiếm 58,6% tổng sản lượng. Qua đó cho thấy, khai thác tốt thị trường trong nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiều loại nông sản Việt.

Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản nhận định: “Thương mại trong nước là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần quan trọng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do đó, cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh nông sản trong nước, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản trong nước, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại; khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại”.

Muốn làm được điều đó, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường trong nước, song song với việc giải quyết các “rào cản” đối với doanh nghiệp khi mở rộng thị trường trong nước như: vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; thời gian hoàn thành giao dịch thanh toán tiền hàng; cách thức bảo quản nông sản tại siêu thị; các hình thức bán hàng, khuyến mãi của siêu thị…, từ đó, tạo ra “lực hút” doanh nghiệp quay về khơi thông thị trường trong nước. Đến lượt mình, doanh nghiệp lớn sẽ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, trang trại để tìm nguồn hàng, hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của các đơn vị này khi tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Một giải pháp khác để nhanh chóng phát triển thị trường trong nước là cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm kinh doanh nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của từng doanh nghiệp và cả nhóm ngành hàng. Ở đó sẽ có sự phân chia khu vực bán sản phẩm, chủng loại, chất lượng, giá bán sản phẩm…, tạo ra mạng lưới tiêu thụ hàng nông, thủy sản rộng khắp và bền vững tại thị trường trong nước.

Nguyễn Phú - Phòng Quản lý chất lượng (St- Nguồn https://nhandan.vn/)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm165
  • Hôm nay11,851
  • Tháng hiện tại232,894
  • Tổng lượt truy cập8,450,949
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây