"Nóng" vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm

Thứ tư - 22/05/2024 21:21 48 0
"Nóng" vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có nhiều vụ tương đối lớn hàng trăm người phải nhập viện; gần 1/3 số vụ ngộ độc xảy ra nguyên nhân được xác định là do vi sinh vật.
 

Ông Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các địa phương tăng cường giám sát, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại tuyến cơ sở
 
 

Ông Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các địa phương tăng cường giám sát, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại tuyến cơ sở

Trước tình hình đó, Bộ Y tế thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”, ngày 21/5 nhằm từng bước ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm trong thực phẩm cũng như ngộ độc thực phẩm, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho cộng đồng.

TS.Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện.
 

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và gây bức xúc cho xã hội.

Làm rõ nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ông Hùng Long cho biết ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc. 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.

Cũng tại Hội nghị theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến.

Tuy nhiên, để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật;

Bên cạnh đó, có cả nguyên nhân chủ quan như sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt, dẫn đến tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

Cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành Nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường;

Không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm hay các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.  

Về công tác quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương đã rõ ràng. "Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các Bộ, ngành, UBND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp), không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động.

Ngành nông nghiệp, Công thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản: thịt, rau, củ, quả... và các sản phẩm thộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành nông nghiệp, công thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn.

Yêu cầu các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty kiên quyết không ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong công tác giám sát nguồn cung cấp thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.

Đặc biệt, cần tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở thấy sức khỏe của người lao động là tài sản, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo tốt khẩu phần ăn của người lao động.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay6,654
  • Tháng hiện tại167,054
  • Tổng lượt truy cập9,624,696
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây