Phát triển dược liệu vùng Tây Nam Nghệ An: Tiềm năng và giải pháp

Thứ năm - 30/11/2023 05:02 203 0
Phát triển dược liệu vùng Tây Nam Nghệ An: Tiềm năng và giải pháp

(Baonghean.vn) - Vùng Tây Nam Nghệ An rất có tiềm năng phát triển dược liệu với quy mô lớn và phong phú. Đây cũng là vùng có đa dạng văn hóa dân tộc với tri thức bản địa rất phong phú, đặc biệt là cách nhận biết, khai thác, trồng và sử dụng dược liệu. Tiềm năng đang cần được đánh thức mạnh mẽ hơn.

Tiềm năng lớn

Vùng Tây Nam Nghệ An được xác định gồm các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Đây là các huyện nằm ở phía Tây Nam Nghệ An và có đường biên giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

ban_Vùng nguyên liệu Pù Mát.jpeg
Dược liệu được trồng trong vùng Pù Mát. Ảnh: P.V

Diện tích toàn vùng là 8377,58 km2 , chiếm gần 50% diện tích của tỉnh. Dân số cả vùng là 590.953 người (năm 2019), chiếm khoảng 17,8 % dân số toàn tỉnh. Diện tích đất lâm nghiệp cả vùng khoảng 715.411 ha, chiếm hơn 61% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Đặc biệt, cả 5 huyện đều nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, với vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát.

Về địa hình, đây là vùng bị chia cắt mạnh bởi hệ thống các phụ lưu sông Lam. Cả 5 huyện đều có các đỉnh núi cao trên 1.000m, mà cao nhất là đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) với độ cao 2.720m. Về thổ nhưỡng, đây cũng là vùng có tính đa dạng: đất phù sa bãi bồi ven sông, đất vàng, đất feralite,…

Từ đặc tính đó, nên vùng Tây Nam Nghệ An rất phong phú, đa dạng sinh học. Trong đó, có gần 1.000 loài dược liệu với các loài quý như: sâm Puxailaileng (tam thất hoang lá tròn), hà thủ ô đỏ, sâm 7 lá 1 hoa, trà hoa vàng, lan kim tuyến, sâm Thổ Hào, đẳng sâm, nấm linh chi đỏ,... Có thể nói, vùng Tây Nam rất có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu với quy mô lớn và phong phú. Đây là vùng có tuyến Quốc lộ 7 xuyên sang Lào, có thể kết nối với tỉnh Xiêng Khoảng cũng là nơi có tiềm năng và lợi thế phát triển dược liệu, có đường Hồ Chí Minh đi qua 2/5 huyện trong vùng, có sông Lam chảy qua cả 5 huyện. Trong quy hoạch, sắp tới đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn cũng đi qua vùng kết nối với Lào qua Cửa khẩu Thanh Thủy.

bna_Thuê đất mở rộng diện tích cây dược liệu đã được Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát (Con Cuông) thực hiện từ nhiều năm nay. Ảnh Xuân Hoàng.JPG
Sản xuất vùng nguyên liệu dược liệu trong vùng Pù Mát. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự kế thừa của những năm tới như: sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, đương quy, đẳng sâm, Jacoon, gừng, giảo cổ lam, hoài sơn, mướp đắng rừng, bobo... (Kỳ Sơn), ba kích, khôi tía, trà hoa vàng, tràm 5 gân, nghệ đỏ,…(Tương Dương), cà gai leo, dây thìa canh, đinh lăng, sa nhân tím, sâm cát, xạ đen, sâm Thổ Hào (Thanh Chương)...

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm về tìm hiểu khảo sát và đầu tư ở trong vùng như Công ty Dược liệu Pù Mát, Tập đoàn TH và nhiều doanh nghiệp khác cũng đã cam kết đầu tư, Công ty Dược và Vật tư y tế Nghệ An đang xây dựng Nhà máy Dược tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Hơn nữa, đây là điểm đứng chân của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát, một đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học sẽ là nơi bảo tồn, di thực, khảo nghiệm và sản xuất giống dược liệu, từ đó, kết nối với các doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện và các ban quản lý rừng phòng hộ các huyện để hỗ trợ nông dân.

Gần đây Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã dành riêng một dự án chuyên đề phát triển dược liệu (giai đoạn đầu chọn huyện Kỳ Sơn).

Cơ hội mới

bna- cúc hoa.jpeg
Trồng hoa cúc ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn) của Tập đoàn TH. Ảnh: Trân Châu

Trong vòng hai thập kỷ gần đây, xu hướng quay lại sử dụng các sản phẩm thuốc có nguồn gốc thảo dược để phòng và trị bệnh trở nên phổ biến. Theo ước tính, 70% dân số toàn cầu vẫn sử dụng thuốc từ dược liệu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Thuốc từ dược liệu được sử dụng không chỉ các nước Á Đông mà còn được tiêu thụ một lượng khá lớn ở các nước phương Tây. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển thì một phần tư số thuốc kê trong các đơn có chứa hoạt chất từ dược liệu.

Ở Việt Nam nhu cầu trong nước và xuất khẩu hàng năm cũng cần đến trên 50.000 tấn dược liệu các loại. Đây là một thị trường rất lớn. Cho đến nay, đã có trên 4.000 bằng sáng chế về thuốc Đông dược của Trung Quốc được đăng ký, với 40 dạng bào chế khác nhau, được sản xuất ở 684 nhà máy chuyên về Đông dược.

bna_Vùng trồng NL.jpg
Vùng nguyên liệu cà gai leo. Ảnh: Thanh Phúc

Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu các hợp chất có tác dụng sinh học từ cây thuốc, chiếm 60% bằng phát minh trên thế giới về lĩnh vực này trong 5 năm (1990 - 1995). Trong giai đoạn 2000 - 2005, các công ty dược phẩm đa quốc gia đã có 23 thuốc mới từ nguồn gốc tự nhiên được phép đưa ra thị trường để điều trị bệnh ung thư, bệnh thần kinh, bệnh nhiễm trùng, bệnh tim mạch, các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, chống viêm…

Việt Nam đã có chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược từ khá lâu, và gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 376/QĐ-TTt/2021 về Chương trình phát triển công nghiệp dược và dược liệu Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong khi đó, hành lang pháp lý được khơi thông, với việc năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Lâm nghiệp trong đó, quy định rõ về canh tác nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Về phía địa phương, Nghệ An đã ban hành Quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định 1187/QĐ-UBND/2018. Với tốc độ phát triển KH&CN ngày càng nhanh cho phép lợi nhuận thu được từ trồng dược liệu ngày càng cao và vượt trội so với canh tác các cây lương thực, cây lâm nghiệp truyền thống.

Tại Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng...”, trong đó “phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ các bon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”.

Xin đề cập đến một số giải pháp: Ngành Nông nghiệp xây dựng đề án/chương trình phát triển dược liệu Nghệ An đến năm 2030, trên cơ sở đó, các huyện triển khai xây dựng kế hoạch trên địa bàn mình. Trong thời gian từ nay đến năm 2030, ưu tiên tập trung phát triển trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương nhằm tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Chương trình dân tộc miền núi và Chương trình 30a).

Trong đó, ưu tiên các giống cây dược liệu đã được khảo nghiệm trên địa bàn và đang có thị trường như: Đẳng sâm (sâm dây), đương quy, sâm khoai (Yacon), tam thất Bắc, sâm 7 lá 1 hoa, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh, sâm Puxailaileng), hoài sơn, giảo cổ lam, khôi tía, chè dây, gừng Kỳ Sơn, nghệ đỏ, ba kích tím, bo bo, sa nhân tím, mướp đắng rừng, hà thủ ô đỏ, trà hoa vàng,...

Đối với các huyện còn lại, triển khai những đối tượng đã khảo nghiệm và đã có thị trường như: cà gai leo, dây thìa canh, đinh lăng lá nhỏ, sâm cát, sa nhân tím, khôi tía, giảo cổ lam, mướp đắng rừng, xạ đen, sâm Thổ Hào, sắn dây, sâm cau tiên mao, sâm cau đỏ (bồng bồng),... và các loài lấy tinh dầu như bạc hà, sả, tràm năm gân…

Tiếp tục triển khai khảo sát, phân tích chất lượng và khảo nghiệm một số loài dược liệu trên cơ sở nghiên cứu của chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển quỹ gen như: cây huyết đằng, bình vôi, ý dĩ, hoàng tinh vòng, tục đoạn, gừng tím, khúc khắc... ở các bình độ và vùng tiểu khí hậu khác nhau. Hình thành vườn bảo tồn, bảo tàng cây dược liệu tại Vườn Quốc gia Pù Mát.

Tổ chức xây dựng Trung tâm Sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm Ứng dụng KHCN và tại Vườn Quốc gia, khu bảo tồn, lâm trường và các ban quản lý rừng phòng hộ để chủ động cung cấp giống cho người dân trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ và xây dựng vườn cây bố mẹ, tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của từng loài để bố trí. Tổ chức sản xuất giống theo đặt hàng của các doanh nghiệp và hợp tác xã. Song song với các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn, tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm các doanh nghiệp chế biến dược liệu và dược phẩm về đầu tư ở Nghệ An để thúc đẩy ngành dược liệu phát triển.

Phát huy tối đa tri thức bản địa về trồng dược liệu để kết hợp với kỹ thuật canh tác mới và hỗ trợ thương mại hóa các bài thuốc gia truyền để kích thích nhu cầu dược liệu. Nghiên cứu các bài thuốc, các đánh giá dược tính các vị thuốc thu hái ở vùng núi Nghệ An, cách bào chế trong bộ sách "Quỳ viên gia học" của danh y Hoàng Nguyên Cát (sống tại Thanh Chương thế kỷ XVIII) để lựa chọn các loài phù hợp để trồng, để phổ biến các bài thuốc cũng như nghiên cứu chiết xuất dược tính từ cách bào chế ông để lại. Bên cạnh đó, thúc đẩy du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để kết hợp quảng bá, giới thiệu và bán dược liệu, sản phẩm chế biến cũng như các bài thuốc cổ truyền.

Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục coi dược liệu và chế biến dược là lĩnh vực trọng điểm ưu tiên để bố trí kinh phí hợp lý để hỗ trợ sản xuất giống, trồng khảo nghiệm, phân tích dược tính, chế biến, ứng dụng và đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo tồn phát triển nguồn gen,... để hỗ trợ chương trình dược liệu.

Lưu ý các đề tài/dự án về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực dược liệu, dược phẩm. Đẩy nhanh lộ trình giao đất, giao rừng cho dân. Tuyên truyền, vận động cho dân hiểu về quyền và lợi ích của mô hình kinh tế dưới tán rừng. Đề nghị xem xét xử lý diện tích đất rừng thứ sinh nghèo kiệt gần dân cư để giao cho dân có đất sản xuất.

Nguồn: https://baonghean.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập142
  • Hôm nay6,294
  • Tháng hiện tại379,285
  • Tổng lượt truy cập9,004,350
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây