Chè xanh - Đặc sản xứ Nghệ

Chủ nhật - 28/02/2021 03:20 563 0
Chè xanh - Đặc sản Xứ Nghệ.
Đồi chè xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Đồi chè xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
                                   CHÈ XANH  - ĐẶC SẢN CỦA NGƯỜI XỨ NGHỆ
                                      (Chào mừng, hưởng ứng ngày Chè thế giới – 21/5)
         
          Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng chè khô hằng năm vào loại lớn của cả nước. Từ bao đời nay, cây chè đã gắn bó với người dân Xứ Nghệ, tất cả 21 huyện thành thị trong tỉnh đều trồng chè, Nghệ An đã hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất chè nguyên liệu rộng lớn phục vụ chế biến như vùng chè Thanh Chương, Anh Sơn,…Khác với các vùng chè sản xuất ra chủ yếu nội tiêu trong nước như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang,… thì chè Nghệ An sản xuất ra chủ yếu được… xuất khẩu. Mỗi năn Nghệ An xuất khẩu trên 10.000 tấn chè khô sang thị trường các nước Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc,…mang lại ngoại tệ gần 20 triệu USD/năm.

         Chè Nghệ An được sản xuất và sử dụng theo 2 cách: sản xuất số lượng lớn chè khô để xuất khẩu và trồng, cắt cả cành dài, bó lại để bán chè tươi đun lên dùng làm nước uống hằng ngày. Quả thật nước chè xanh là thứ không thể thiếu của đa số người dân Xứ Nghệ. Từ các cơ quan nhà nước cấp tỉnh như Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đến Xã, Phường, Thôn Xóm hầu hết đều sử dụng thứ nước uống này hằng ngày. Về Nghệ An, trong các cuộc hội họp bao giờ cũng phải có bình nước chè xanh. Người nông dân trước khi ra đồng cũng phải làm mấy bát nước chè xanh, đi làm về việc làm đầu tiên cũng rót mấy bát chè xanh uống …cho mát. Ngoài các vật dụng làm đồng, hành trang của người nông dân còn kèm theo ấm nước chè xanh bên cạnh. Do đặc tính khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng nên chè xanh trồng ở Nghệ An có sự khác biệt so với các miền quê khác. Chè Nghệ An có hàm lượng tanin cao, có vị chát đậm, khi chè trà pha đến nước thứ 3 vẫn giữ được màu sắc, vị đặc trưng của chè trong khi chè các vùng khác đến nước thứ 2 đã nhạt màu, mất vị. Nói không ngoa, chè xanh đã thấm vào máu thịt người xứ Nghệ, cái vị chát đậm của chè nơi đây góp phần tạo nên cái chất mộc mạc nhưng đầy cốt cách của người dân nơi đây. Cứ mỗi buổi tối, tiếng râm ran mời nhau uống nước chè vẫn đâu đó văng vẳng ở các làng quê. Chẳng biết từ khi nào cây chè đã đi vào thơ ca trở thành món đặc sản của người dân xứ Nghệ:
                                       
                                                “..Nước chè xanh Xứ Nghệ.

                                                                                Càng chát lại càng thơm,…”

            Nước chè đun nấu trực tiếp từ là chè tươi hay trà xanh (từ lá chè xanh đã qua chế biến) không chỉ dừng lại ở một loại nước uống mang lại sảng khoái cho người dùng, mà nếu dùng thường xuyên còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong chè có chứa các chất: Caffein; L.theanin; Tanin; polyphenols; tinh dầu và các axít đi cùng tinh dầu; các vitamin tiền tố A, B2, B3, B5; các nguyên tố vi lượng kali, flour,…cần thiết cho con người. Vì vậy khi uống chè xanh có thể khắc phục, hạn chế hoặc phòng tránh được các bệnh như: Giúp giảm lượng cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Chè xanh có khả năng chống viêm và phòng ngừa một số bệnh mãn tính, làm giảm số lượng vi khuẩn kháng thuốc, khôi phục lại tác dụng của thuốc kháng sinh, giúp kháng sinh đi vào trong và tiêu diệt vi khuẩn dễ dàng hơn.
Không chỉ giúp thúc đẩy sức mạnh cho các bộ phận trên cơ thể, trà xanh còn giúp trí óc của bạn thông minh hơn, nhạy bén hơn. Trà xanh giúp bảo vệ bộ não của bạn với sự hỗ trợ của các hợp chất hoạt tính sinh học và catechin có tác dụng chống lại hoạt động của các gốc tự do gây nên các tổn thương màng tế bào của cơ thể, và nó cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính, hoặc làm tăng các nguy cơ bệnh ác tính,...

                                      (Đồi chè nguyên liệu  HTX NN CB chè Thanh Đức, huyện Thanh Chương)
         Sản xuất chế biến chè là ngành quan trọng của Nghệ An, ảnh hưởng tới sinh kế, của hàng ngàn hộ dân trồng, kinh doanh, chế biến chè trong tỉnh. Tại các vùng sản xuất chè chuyên canh, thu nhập, kinh phí trang trải cuộc sống gia đình của hằng ngày của người dân chỉ trông chờ vào nguồn thu từ trồng, chế biến chè.
       Cần nhìn nhận và đánh giá khách quan điểm yếu, điểm mạnh của chè Nghệ An. Sản xuất chế biến chè bền vững là mục tiêu và giải pháp để mang lại giá trị cao hơn cho cây chè tỉnh nhà, mang lại thu nhập cho người dân trồng, chế biến chè và giúp địa phương ổn định và phát triển  kinh tế xã hội.
        Đối với chè khô phục vụ xuất khẩu, Nghệ An đang xây dựng và phát triển vùng chè nguyên liệu của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ trong chọn giống, trồng, chăm sóc đặc biệt hỗ trợ chủ động nước, phương tiện phục vụ tưới chè trong điều kiện hạn hán. Chỉ khi xây dựng và phát triển được vùng chè nguyên liệu đảm bảo mới có cơ sở để thu hút các nhà đầu tư vào chế biến chè. Kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào ngành chè, áp dụng công nghệ, thiết bị chế biến chè tiên tiến vào chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, khuyến khích xuất khẩu chính ngạch. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tạo dựng và nâng tầm thương hiệu chè Nghệ An.
          Với sản xuất chè tươi dùng làm nước uống hằng ngày cũng cần hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, liên kết để tiêu thụ bền vững cho các địa phương chuyên trồng chè phục vụ uống tươi như chè Gay - xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn; vùng chè xã Đông Sơn, huyện Đô Lương,… Do đây là cách uống trực tiếp nên càng cần phải chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại các địa phương này nên hình thành HTX, tổ hợp tác để liên kết các hộ trồng chè, tăng cường giám sát đảm bảo chè an toàn, làm đầu mối tiêu thụ cho người dân, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc trực tiếp phân phối sản phẩm tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
          Ngày chè thế giới là cơ hội để tôn vinh di sản văn hóa, lợi ích sức khỏe và tầm quan trọng kinh tế của chè trà đồng thời nỗ lực làm cho việc sản xuất an toàn, bền vững “từ vườn chè đến cốc trà”, đảm bảo lợi ích  hài hoà cho người tham gia ở tất cả các công đoạn trong chuỗi sản xuất trồng – chế biến – kinh doanh – tiêu dùng. Các cấp quản lý, người dân trồng, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng chè tỉnh Nghệ An càng ý thức và quyết tâm để ngành sản xuất chè của tỉnh ngày càng lớn mạnh. Nét đẹp của những vườn chè, thói quen uống chè xanh trong cộng đồng người dân Xứ Nghệ luôn được gìn giữ và phát triển trong sinh hoạt đời sống thường ngày./.
                                                                                                  Thái Tuấn
                                                                            Chi cục QLCL NLS & TS Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây