KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN NĂM 2023 CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thứ năm - 07/12/2023 20:17 564 0
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN NĂM 2023 CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Trong năm 2023, trước tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, cây trồng và ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cơ quan, ban ngành từ cấp Trung ương, tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm. Nêu cao vai trò của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong năm 2023, các đơn vị trực thuộc Sở đã tổ chức xây dựng 09 chương trình phóng sự, tin bài về  công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; 24 chương trình Nhịp cầu nhà nông truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh Nghệ An (NTV); Tổ chức 465 lớp tập huấn, hội nghị và diễn đàn với sự tham dự của 16.985 đại biểu, bao gồm: các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; in và phân phát 27.436 ấn phẩm tuyên truyền về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông sản và khuyến nông02 pano tuyên truyền về an toàn thực phẩm đặt tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh và Cảng cá Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu;... Ngoài ra, các đơn vị thuộc Sở đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; hướng dẫn các cơ sở về thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn thực phẩm và các thủ tục hành chính khác.
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước về an toàn thực phẩm đã nâng cao nhận thức, hiểu biết của chủ cơ sở, người lao động trong  quá trình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông lâm thuỷ sản và người tiêu dùng đã nhận thức được việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Đồng chí Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023
Đặc biệt, trong 2023, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã triển khai 81 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm đối với 898 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 125 cơ sở với số tiền nộp ngân sách nhà nước là 879.300.000 đồng
Ngoài ra, tiến hành thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT cho 1.008 cơ sở, trong đó: 363 cơ sở thẩm định xếp loại và 645 cơ sơ thẩm định định kỳ. Xếp loại: 02 cơ sở loại A và 976 cơ sở xếp loại B; 30 cơ sở xếp loại C. Cấp 323 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An xác định đối với quản lý chất lượng an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung hỗ trợ người sản xuất thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn ngay từ sản xuất ban đầu, đây là mẫu chốt vì toàn bộ nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng bắt nguồn từ công đoạn sản xuất này. Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng 13 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của 210 thành viên là các tổ chức, hộ gia đình. Cụ thể: 11 mô hinh trồng trọt với tổng diện tích gần 74 hecta; 02 mô hình chăn nuôi gà với quy mô 67.100 con/năm, 02 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 3.080 con/năm. Hỗ trợ 03 mô hình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, 04 mô hình chuyển giao quy trình công nghệ chế biến nông lâm thủy sản.
Đối với công tác phát triển sản phẩm và chủ thể OCOP: Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh hiện đã có 433 sản phẩm, trong đó có 391 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và có 01 sản phẩm 5 sao và Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (sau Hà Nội). Các sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường, điển hình như sản phẩm của Công ty TNHH Đức Phong, Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; Công ty cổ phần khoa học công nghệ tảo VN; Công ty CP đầu tư và sản xuất ATC; HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, Công ty Hasafood; Công ty cổ phần tập đoàn BOMETA; Công ty TNHH MAMI FARM,...
Để đảm bảo công tác tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các Doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, tổ chức các sự kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Nghệ An, nổi bật là tổ chức sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng miền Tây Nghệ An tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư tỉnh ủy Nghệ An và các đại biểu tham gia Tọa đàm tại Sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng miền Tây Nghệ An tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thường xuyên tổ chức cho các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Nghệ An. Trong năm đã hỗ trợ cho trên 100 đơn vị, với 120 gian hàng tham gia tại 22 hội chợ, trên 200 loại sản phẩm nông lâm thủy sản trưng bày tại các hội chợ, triễn làm trên cả nước, đặc biệt là các thị trường có sức tiêu thụ lớn như Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh,...
Tổ chức các đoàn trực tiếp đi tìm hiểu thị trường, làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị và các cơ quan thực hiện chức năng xúc tiến thương mại để ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Nghệ An.
Hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, như ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại VoSo.VN, Portmart.VN, TikTok Việt Nam trực tiếp livestream hướng dẫn bán hàng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản tại tỉnh Nghệ An.
Hình ảnh các sản phẩm Nghệ An tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2023 – Tôn vinh sản phẩm OCOP.
 
Thông qua các sự kiện quảng bá, giúp kết nối và tiêu thụ trái cây của các địa phương vào các kênh phân phối đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tổ chức thời gian qua đã tạo ra nhiều kết quả nổi bật. Không chỉ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định mà thông qua các chương trình xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thể đa dạng các nguồn cung ứng, qua đó thực hiện hiệu quả kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm, xây dựng mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, cấp mã Qr truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong năm đã hỗ trợ 300.000 tem, nhãn; trên 1.000 kg bao, bì chứa đựng sản phẩm; cấp 25 mã Qr, 4 bộ mã vạch, lũy kế đã cấp 140 mã Qr cho 103 cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản.
Từ những cách làm này, sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP tăng lên hàng năm. Đến nay đã có trên 50 sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ ổn định trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm; có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản Nghệ An xuất khẩu tại 36 nước.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của Trung ương và UBND tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố về lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường công tác thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP; phát triển mạng lưới thị trường, tiếp cận các thị trường, thảo gỡ các khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ ổn định;....
Nguyễn Phú – Phòng Quản lý chất lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây