Tình hình xuất khẩu thuỷ sản tháng 2 năm 2024

Thứ hai - 04/03/2024 21:39 409 0
XK thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này vẫn là con số tích cực vì tháng 2 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Lũy kế 2 tháng đầu năm, XK thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu thuỷ sản tháng 5 hạ nhiệt vẫn chạm mốc 1 tỷ USD
XK đã tăng bứt phá 64% so với cùng kỳ năm 2023 (nếu bỏ yếu tố Tết Nguyên đán trùng vào tháng 1 năm ngoái thì XK vẫn tăng 25 -26%). Sau khi sụt giảm liên tục từ quý IV/2022, XK từ quý IV/2023 có chiều hướng tích cực hơn và đột phá mạnh mẽ vào tháng 1 khi nhu cầu mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều thị trường gia tăng, nhất là Trung Quốc và các nước châu Á. Một phần trong đó cũng phục vụ cho người tiêu dùng là cộng đồng người Việt và người châu Á ở các thị trường khác.
Sau Tết Nguyên đán, thông thường nhu cầu sẽ chững lại một chút, do vậy XK sang Trung Quốc sẽ không tăng mạnh như trong tháng 1. Tuy nhiên, cũng đã bắt đầu vào mùa Chay nên nhu cầu thủy sản quay trở lại ở các nước phương Tây và nhiều thị trường.
Tính tới hết tháng 2, XK tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi XK cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%. Riêng XK mực, bạch tuộc giảm nhẹ 1%.
XK tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt, trong khi nước XK cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ cũng khiến cho NK tôm Ecuador vào Trung Quốc sụt giảm.
Tuy nhiên, Ecuador lại tập trung nhiều hơn vào thị trường Mỹ và EU, do vậy áp lực cạnh tranh lại lớn hơn tại những thị trường này.
Giá XK cá tra sang Mỹ và EU đều chạm đáy những tháng cuối năm 2023, nhưng đã phục hồi nhẹ vào tháng 1, tuy nhiên giá xuất sang Trung Quốc vẫn thấp đáng kể so với những năm trước.
Vấn đề tồn kho và dư cung vẫn đang tác động đến tiêu thụ và NK các loài thủy sản chính như tôm, cá tra…
XK hải sản vẫn đang trong giai đoạn khó vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc làm xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác XK sang EU bị đình trệ, DN thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu NK vì những quy định liên quan IUU.
Tháng 3 và tháng 4, các DN thủy sản sẽ tham gia các chương trình Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Boston, Mỹ và Barcelona, Tây Ban Nha, kỳ vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn cho đơn hàng của DN sau các sự kiện này.
Ước XK thủy sản Việt Nam, T1-T2/2024 (triệu USD)
Sản phẩm T2/2024 Tăng, giảm (%) T1-T2/2024 Tăng, giảm (%)
Tôm các loại 217,532   12   459,461   37
Cá tra 109,934   -29   274,800   15
Cá ngừ 69,092   19   148,429   37
Cá các loại khác 101,449   -27   275,218   8
Mực, bạch tuộc 26,384   -43   88,307   -1
Nhuyễn thể có vỏ   11,262   8   21,708   14
Nhuyễn thể khác 0,359   -32   1,516   147
Cua ghẹ và giáp xác khác 28,054   410   44,158   136
Tổng 564,065   -8   1.313,596   23
Mặc dù nhiều DN cho biết thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng cao của tháng đầu năm 2024 vẫn mang lại cảm xúc tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Vẫn còn đó những vấn đề DN XK thủy sản phải đối mặt như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn…Song chúng ta có thể hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục.
Những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ làm khó cho DN, nhưng  với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm thương trường và sự linh hoạt, nhạy bén, DN sẽ biến “nguy thành cơ”, khai thác và phát triển được các sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh mới hậu Covid, lạm phát và chiến tranh.
Những thay đổi này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Do vậy, DN cũng nên nhìn nhận lại chiến lược thị trường của mình. Trong đó, thị trường nội địa thực sự tiềm năng với dân số 100 triệu người và mức sống đang ngày càng tốt hơn. Sức mua không chỉ tiềm năng ở các kênh bán lẻ, kênh dịch vụ mà cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, chợ truyền thống, khu dân cư…
Thứ hai, thị trường XK cũng nên được đánh giá lại theo cách nhìn mới, xu hướng mới, không quá lệ thuộc vào những thị trường truyền thống để phải chịu những áp lực cạnh tranh dữ dội và các quy định, rào cản khắt khe.
Ví dụ, Trung Quốc là một thị trường lớn, dân số đông, nhu cầu gia tăng vì tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, vị trí địa lý thuận lợi…nhưng trong ấn tượng hoặc thành kiến của không ít DN nhìn nhận Trung Quốc là thị trường hay thay đổi, rủi ro trong thanh toán, chỉ thích mua hàng giá rẻ, khó cạnh tranh với các nước khác…
Thực tế, đất nước rộng lớn này có nhiều phân khúc thị trường khác nhau để chúng ta có thể tiếp cận đa dạng sản phẩm với các chất lượng và mức giá phù hợp.
Ngoài ra, chúng ta còn có các cơ hội thị trường khác, như là phân khúc thị trường cho hàng khô, đồ hộp cho các khu vực bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát cao hoặc cơ hội ở những thị trường có vị trí gần hơn như các nước ASEAN, giảm những thiệt hại do chi phí vận tải tăng cao…
Với sự linh hoạt và thích ứng của DN thủy sản, hy vọng rằng năm 2024, XK thủy sản sẽ cao hơn năm 2023, có thể tới mốc 9,5 tỷ USD.
( Theo Hiệp hội chế biến Thuỷ sản Việt Nam)
- Phòng Chế biến Thương Mại Nông sản
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây