Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)"

Thứ sáu - 10/02/2023 01:57 150 0
Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)"

Để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc), ngày 10/2, Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại 3 điểm cầu chính là Bộ NN&PTNT, Văn phòng Bộ NN&PTNT phía Nam và UBND tỉnh Lào Cai cùng hàng trăm điểm cầu trên cả nước và hàng ngàn đại biểu tham dự diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn tại điểm cầu chính - Bộ NN&PTNT

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của hai nước.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau”. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước. Về phía Việt Nam, các Bộ: Công thương, NN&PTNT, Ngoại giao và Bộ, ngành có liên quan đều phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước”.

“Hiện nay, tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe bắt đầu có tăng lên”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn 

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm thông qua các diễn đàn trực tuyến và hội nghị trực tiếp để triển khai đến các doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiêp. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN&PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo lệnh 249. Bộ NN&PTNT đã thực hiện các yêu cầu của phía bạn cũng như của chính phủ Việt Nam, tập trung vào xuất khẩu chính ngạch và xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, đặc biệt là Cục Bảo vệ thực vật triển khai nhanh và có hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng cho các địa phương.

Năm 2022, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc, xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc vẫn đạt 14,2 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2021. Để tiếp tục thúc đẩy thương mại nông sản qua các cửa khẩu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn thông qua diễn đàn này, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được nhiều thông tin tại các cửa khẩu để từ đó có kế hoạch, đăng ký, tránh lặp các vấn đề như tồn đọng, ứ đọng xe hàng tại các biên giới như trong những năm trước.

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu tăng trưởng bình quân đạt 20,3%, trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng nông sản chiếm trên 30% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu với khối lượng nông sản xuất nhập khẩu hai bên đạt gần 2 triệu tấn mỗi năm.

Để góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; tăng sản lượng trái cây được cấp mã vùng trồng xuất khẩu; sớm thống nhất mẫu giấy kiểm dịch đối với sản phẩm tổ yến; sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương tăng cường triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ giữa Bộ và Chính quyền tỉnh Vân Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về hợp tác thương mại; hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai một số nội dung hợp tác thương mại với tỉnh Vân Nam.

Đối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đề nghị cùng phối hợp triển khai các biện pháp thuận lợi hóa, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; đẩy nhanh tiến độ báo cáo cấp Trung ương chỉ định cửa khẩu đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu được thực hiện nhập khẩu nông sản, trái cây vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục hoàn thiện ”luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai – Hà Khẩu; đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai - nêu nhiều kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.

Ông Tô Ngọc Sơn cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; của cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Tình Vân Nam, Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại 2 nước, ông Tô Ngọc Sơn cho biết. Tỉnh Vân Nam có đường biên giới với 4 tỉnh Việt Nam là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; là cửa ngõ phía Tây Nam của Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh và 4 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Đặc biệt, dân số của tỉnh là 47 triệu người và đời sống người dân ngày càng cải thiện.

“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm đáng tiếc, chưa được như kì vọng”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi bày tỏ.

Theo đó, năm 2022, kim ngạch thương mại Vân Nam - Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, chỉ chiếm 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế. Tỉnh Vân Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế hợp tác với các Bộ, ngành phía Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, điển hình như thủy hải sản, vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này.

Từ đó, theo ông Tô Ngọc Sơn, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

Còn đối với các doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu khi nhiều vụ việc mất thương hiệu đáng tiếc đã từng xảy ra.

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với tỉnh Vân Nam, đại diện Bộ Công thương Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy hiệu quả của các cửa khẩu đường bộ, đường sắt tiếp giáp với tỉnh Vân Nam; tăng cường quảng bá các mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây…; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn công tác với tỉnh Vân Nam.

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây