Hiệu quả từ phát triển sản phẩm OCOP ở Diễn Châu

Thứ hai - 09/01/2023 21:04 267 0
Hiệu quả từ phát triển sản phẩm OCOP ở Diễn Châu
Hiện Diễn Châu có 84 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống có thế mạnh đang được khai thác tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Tính đến năm 2022, huyện Diễn Châu đã có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Việc phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực ở huyện Diễn Châu.

Hiệu quả từ phát triển sản phẩm OCOP ở Diễn Châu ảnh 1

Sản xuất lạc xuất khẩu ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang

Nghề sản xuất bánh kẹo của xã Diễn Vạn đã có từ cách đây hơn nửa thế kỷ, tập trung tại 2 xóm Đồng Hà và Xuân Bắc, với khoảng trên 100 hộ làm nghề thường xuyên. Năm 2009, cả 2 xóm đều được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng nghề bánh kẹo. Bình quân mỗi năm, các hộ làm nghề ở đây mang về doanh thu trên 15 tỷ đồng. Nay làng vẫn phát triển khá tốt.

Cơ sở sản xuất bánh kẹo Lực Thanh là một trong những cơ sở có truyền thống bánh kẹo lâu đời nhất của làng nghề, hàng năm cho ra lò hàng trăm nghìn chiếc kẹo cu đơ cung cấp cho thị trường ở nhiều tỉnh.

Anh Nguyễn Thế Lực - chủ cơ sở cho biết: Với tâm niệm làm ra những chiếc bánh thơm ngon, đảm bảo chất lượng, mang hương vị quê hương, chúng tôi tuyển chọn kỹ nguyên liệu, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2020, kẹo cu đơ Lực Thanh tham gia chương trình sản phẩm OCOP và được công nhận đạt 3 sao. Nhờ đó mà sản phẩm của chúng tôi được nhiều khách hàng biết đến, tin tưởng nên việc tiêu thụ càng trở nên thuận lợi. Cơ sở giải quyết việc làm cho 10 - 15 lao động, doanh thu hàng năm đạt trên 5 tỷ đồng.

Sau khi được công nhận sản phẩm lạc sen đạt OCOP 4 sao, Công ty TNHH Nông, lâm, thủy sản Sỹ Thắng, xóm 1, xã Diễn Thịnh đã phát triển thêm sản phẩm và năm 2021 có thêm sản phẩm dầu lạc đạt OCOP 3 sao. Dầu chủ yếu được ép từ lạc sen nên hương vị thơm ngon. Hiện, thị trường của công ty không chỉ các siêu thị trong nước, mà còn xuất khẩu sang các nước khác.

Ông Phạm Ngọc Thắng - Giám đốc doanh nghiệp cho biết, nhờ sản phẩm được chứng nhận OCOP, được Chương trình OCOP của tỉnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm nên được nhiều khách hàng biết đến. 2 năm nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu lạc nhân theo đường chính ngạch, giá cả ổn định, với trên 3000 tấn/năm, ép được hơn 300.000 lít dầu. Đánh giá chung cho thấy, doanh thu của công ty tăng thêm khoảng 20%, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ Chương trình OCOP đang triển khai.

Xã Diễn Trung là vùng chăn nuôi gà trọng điểm của huyện Diễn Châu, với 152 trang trại, gia trại, quy mô 200.000 con gà thịt. Mỗi năm toàn xã xuất bán khoảng 25 triệu quả trứng gà. Để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, HTX chăn nuôi Diễn Trung đã nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất an toàn theo hướng VietGAP từ cung cấp thức ăn, thuốc thú y đến việc kêu gọi doanh nghiệp, siêu thị nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Hiện nay, trứng gà Diễn Trung đã có bộ nhận diện thương hiệu mã vạch QR, logo và tem nhãn để người tiêu dùng dễ dàng xác định nguồn gốc sản phẩm và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Anh Lê Văn Giang - chủ trang trại chăn nuôi xã Diễn Trung cho biết: Tham gia mô hình HTX từ lúc thành lập cho tới khi sản phẩm được công nhận OCOP, chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường vững vàng hơn, dễ bán hơn so với trước. HTX tập huấn về chọn con giống, chọn thức ăn, chọn nguồn gà đảm bảo nên chăn nuôi an toàn hơn.

Còn ông Đậu Ngọc Hòa - Giám đốc HTX Chăn nuôi Diễn Trung chia sẻ: Chúng tôi xác định phải đạt tiêu chuẩn OCOP mới vươn xa được nên quyết tâm xây dựng cho bằng được thương hiệu. Trứng gà chúng tôi hiện không chỉ ở khách sạn, nhà trường, các tỉnh đặt hàng mà tiêu thụ cả sang Lào. Từ khi có Giấy chứng nhận OCOP thì đầu ra sản phẩm trứng của các xã viên không ứ đọng.

Hiệu quả từ phát triển sản phẩm OCOP ở Diễn Châu ảnh 2

Rau mùi tàu đạt tiêu chuẩn OCOP ở xã Diễn Thái (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang

Từ năm 2019, rau mùi tàu xã Diễn Thái được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đảm bảo được các tiêu chuẩn rau an toàn và được quảng bá rộng rãi, Diễn Thái là địa phương đầu tiên ở Nghệ An xuất khẩu được hơn 2 tấn rau mùi tàu sang thị trường Hàn Quốc, cùng với đó, việc tiêu thụ trở nên dễ dàng hơn tại các nhà máy sản xuất thực phẩm cũng như tại các chợ đầu mối, siêu thị... Từ đó, giúp người nông dân có thu nhập từ cây mùi tàu tới gần 300 triệu đồng/ha/năm. Anh Phan Văn Hảo - một đại lý chuyên thu mua rau mùi tàu cho biết: Sau khi sản phẩm rau mùi tàu của xã Diễn Thái đạt tiêu chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng, giá cả cũng đã tăng lên 15 - 20% so với trước đây.

Bước đầu có thể khẳng định, Chương trình OCOP là giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công ở huyện Diễn Châu. Hiện đã có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Huyện Diễn Châu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, được công nhận ít nhất 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có 20% chủ thể OCOP trở lên là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện Diễn Châu đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành, các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. UBND huyện đang thực hiện lồng ghép các cơ chế, chính sách, đặc biệt là nguồn sự nghiệp trong xây dựng NTM để hỗ trợ người dân, thứ nhất là về VSATTP, hỗ trợ hệ thống đánh giá, dây chuyền sản xuất gắn với ATTP. Chúng tôi sẽ thành lập các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với các tua du lịch Diễn Châu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây