Nông dân “bám” cây mía
Trung tuần tháng 4, khi các nhà máy chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh vừa kết thúc vụ ép, cũng là thời điểm bà con nông dân các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp… triển khai trồng vụ mới mía, hoặc cày xả gốc, bón phân cho những diện tích mía lưu gốc. Trên các cánh đồng mía, chúng tôi bắt gặp những nông dân biết chớp cơ hội để làm giàu từ cây mía nguyên liệu.
Đưa cơ giới hóa vào trồng mía ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: X.H |
Ông Phạm Văn Lực ở xóm Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) cho hay: Từ hàng chục năm nay, gia đình ông “bám” cây mía để phát triển kinh tế gia đình. 3 năm nay gia đình thuê mượn đất của nhiều gia đình khác trong vùng để duy trì 5 ha mía nguyên liệu. Do đầu tư chăm sóc hợp lý, nên năng suất mía hàng năm đạt trên 70 tấn/ha. Với giá mía của nhà máy thu mua tại ruộng 1,1 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình ông có lãi khoảng 150 triệu đồng/5 ha.
Do giá mía vẫn giữ ở mức cao, cùng đó, giá phân bón đã giảm, nên niên vụ 2023-2024, gia đình thuê thêm 8 ha đất để trồng mía.
“Toàn bộ từ khâu làm đất, đến trồng và chăm sóc bằng cơ giới hóa, cùng với đó, đầu tư phân bón hợp lý, nên năng suất đạt cao, chi phí giảm hơn so với thuê nhân công, nên cây mía cho thu lãi khá cao. Nếu như 1 ha mía cho năng suất trên 80 tấn, thì người trồng mía thu lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng”, ông Phạm Văn Lực chia sẻ.
Cánh đồng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ được đầu tư chăm sóc hợp lý, nên năng suất đạt cao. Ảnh: X.H |
Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Giai Xuân trước đây trồng 2 ha mía, năng suất luôn đạt trên 80 tấn/ha, hàng năm thu hoạch nhập mía cho nhà máy, thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Nhận thấy trồng mía bây giờ áp dụng gần như 100% cơ giới hóa, nên năm nay gia đình quyết định thuê thêm 1 ha đất nữa để trồng mía.
“Với 3 ha mía nguyên liệu, được phía nhà máy hỗ trợ máy móc, phương tiện và phân bón kịp thời, nên sau khi thu hoạch xong, 2 ha mía lưu gốc đã cày xả, bón phân; 1 ha mía trồng mới cũng đã hoàn thành vào trung tuần tháng 4 này. Nếu như giá mía nguyên liệu trong vụ ép tới giữ nguyên như năm nay thì gia đình sẽ có nguồn thu đáng kể từ cây mía”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Ông Nguyễn Sỹ Hải, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Tân Kỳ cho biết: Do giá mía đang ở mức cao, trong khi giá phân bón đang “giảm nhiệt”, nên bà con nông dân chuyển sang trồng mía nhiều hơn. Khảo sát vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Tân Kỳ cho thấy, niên vụ mía 2023-2024, diện tích mía nguyên liệu tăng so với niên vụ trước khoảng 800 ha, lên gần 4.000 ha.
Huyện Quỳ Hợp là vùng trọng điểm mía nguyên liệu, trong vài năm lại nay, người nông dân không những giữ nguyên diện tích mía, mà còn chuyển đổi một số diện tích cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng mía. Trong đó, nhiều nhất là vùng trồng cam Minh Hợp, phần lớn các hộ dân chuyển từ trồng cam sang trồng mía. Nguyên nhân là do cây cam nhiễm sâu bệnh, trong khi cây mía ở đây cho năng suất cao, giá thu mua của nhà máy tăng ổn định ở mức cao.
Khi cây mía phát triển tốt, công tác kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh luôn được cán bộ nông vụ của các nhà máy quan tâm. Ảnh: X.H |
Ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Trước lợi thế giá phân bón giảm, giá mía nguyên liệu đang giữ mức cao nhất từ trước đến nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện có động lực để “bám” cây mía, do vậy, diện tích mía ở huyện Quỳ Hợp năm sau cao hơn năm trước. Những năm từ năm 2021 về trước, mỗi năm có 4.800 ha mía, thì 2 năm nay tăng lên thành 5.300 ha. Những diện tích mía mới chủ yếu là chuyển đổi cây trồng ở vùng trồng cam, trồng keo và những diện tích trồng lúa kém hiệu quả.
Tạo chính sách hai bên cùng có lợi
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết thêm: Những năm vừa qua, diện tích mía trên địa bàn toàn tỉnh tăng khá nhanh. Năm 2021, toàn tỉnh có gần 18.500 ha, năm 2022 tăng lên gần 20.200 ha, dự kiến năm 2023 diện tích mía còn tăng hơn. Nguyên nhân là bởi giá mía đang “neo” ở mức cao, nhiều diện tích cây ăn quả kém chất lượng, bà con chuyển sang trồng mía.
Trên địa bàn Nghệ An có 3 nhà máy chế biến đường đóng ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn và Quỳ Hợp. Cả 3 nhà máy đường có tổng công suất trên 13.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Mỗi công ty có một vùng mía nguyên liệu riêng, được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch phân vùng cho từng công ty trực tiếp làm việc với chính quyền các địa phương và bà con nông dân về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía để phục vụ cho nhà máy đường hoạt động.
Được đầu tư chăm sóc hợp lý, nên nhiều diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn Nghệ An đạt trên 100 tấn/ha, cá biệt có những diện tích đạt 120 tấn/ha. Ảnh: X.H |
Để phát triển và giữ vững vùng nguyên liệu mía, các công ty mía đường hàng năm luôn nắm bắt tình hình biến động của cây mía ở các vùng, miền trong nước về diện tích, năng suất, giá cả… và những đề xuất của người trồng mía để đưa ra những cơ chế, chính sách hợp lý, nhằm đảm bảo cả hai bên cùng có lợi.
Những chính sách hỗ trợ của các nhà máy như: Hỗ trợ tiền làm đất khai hoang, đất chuyển đổi lúa không chủ động tưới sang trồng mía; cho vay không tính lãi để mua giống mía; cho vay phân bón vi sinh, hữu cơ trả sau…
Ngoài ra, các công ty cho vay trả chậm tiền mua giống, phân bón và cung cấp các dịch vụ cơ giới làm đất, trồng, chăm sóc mía, hỗ trợ làm đường giao thông trong vùng nguyên liệu mía; cùng đó, bố trí mỗi vùng nguyên liệu mía có cán bộ nông vụ thường xuyên bám đồng ruộng để giúp bà con nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Nguồn: baonghean.vn
Ý kiến bạn đọc