Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An
Triển vọng từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung có liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Xóm Hùng Sơn - Thị trấn Nam Đàn - Huyện Nam Đàn.
Thứ tư - 22/03/2023 23:531320
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Nam Đàn phát triển nhiều mô hình sản xuất đa dạng, hiệu quả với nhiều tấm gương nông dân năng động, cần cù sáng tạo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Gia đình anh Nguyễn Viết Khanh ở khối Hùng Sơn - Thị trấn Nam Đàn là một tấm gương điển hình.
Ảnh: Mô hình nuôi hươu thương phẩm tại Khối Hùng Sơn - Thị trấn Nam Đàn - huyện Nam Đàn
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông nghiệp thuần, với địa hình đất đai rộng rãi vừa có diện tích đất nằm ven đồi núi vừa có diện tích màu bãi bồi ven sông thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi. Sau nhiều lần suy nghĩ với ý tưởng thoát nghèo, sau khi đi xuất khẩu lao động về nước anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi hươu thương phẩm.
Với niềm đam mê phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, anh đã tìm tòi, nghiên cứu và thành công với mô hình nuôi hươu sao, mở ra triển vọng mới cho ngành Nông nghiệp địa phương. Gia đình anh mạnh dạn đầu tư năm trăm triệu đồng (500.000.000đ) để xây dựng chuồng trại, mua con giống, và trồng 4 sào cỏ để làm thức ăn nuôi hươu.
Thức ăn cho hươu sao chủ yếu là cỏ, còn trong giai đoạn lấy nhung thì bổ sung thêm cám, ngô, chuối cây, và các loại lá cây tận dụng từ địa phương.
Từ trước tới nay hươu sao là loại vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các vật nuôi khác như trâu, bò, dê,... Nắm bắt xu hướng này cùng với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Viết Khanh bắt đầu tìm hiểu và tham quan, học hỏi mô hình nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh. Anh đã vào tham quan mô hình nuôi Hươu sao thương phẩm và liên kết với công ty cung cấp hươu giống, bao tiêu nhung tại Hà Tĩnh.
Tháng 9 năm 2022, anh đã nhập 10 con hươu sao giống tại tỉnh Hà Tĩnh với giá 28 - 35triệu đồng/con để nuôi thử nghiệm. Sau nửa năm chăm sóc, hiện đàn hươu sao của anh phát triển tốt và mang về giá trị kinh tế cao từ việc lấy nhung. Bình quân một con hươu sao mỗi năm sẽ cho 2 lứa nhung, giá bao tiêu nhung hươu hiện tại công ty thu mua 12 triệu đồng/kg. Cách chăm sóc hươu sao cũng rất đơn giản, cho ăn 2 lần/ngày hươu chủ yếu ăn nhiều vào ban đêm, thức ăn hàng ngày gồm cỏ, cây ngô, các loại lá cây tận dụng như cây xoan đâu, cây mít… ,còn trong giai đoạn lấy nhung thì bổ sung thêm cám, ngô. Bình quân, chi phí chăm sóc hươu sao khoảng 3 triệu đồng/con/năm.
Diện tích chuồng được thiết kế thoáng mát, bình quân 4m2/chuồng. Khâu khó nhất trong nuôi hươu sao chính là việc lấy nhung. Để lấy được nhung có chất lượng, bán được giá, người nuôi phải canh thời gian cho phù hợp, không được lấy quá sớm cũng không quá muộn. Cụ thể, hươu sao thường cho nhung 2 lứa/năm, thời gian lấy nhung từ 45-60 ngày sau khi nhung mọc.
Anh Khanh chia sẻ: “Nhung hươu là loại dược liệu quý hiếm dùng để chế biến dược phẩm, nhất là trong sản xuất các loại thuốc Đông y và Tây y. Ngày nay, nhung hươu được sử dụng phổ biến trong gia đình như món ăn dùng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi,... Do đó, đầu ra của nhung hươu rất ổn định. Dự kiến, thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng trang trại nuôi hươu sao lên 30 - 50 con”.
Nhằm chủ động về con giống và giảm chi phí đầu vào, anh không chỉ nuôi hươu sao lấy nhung mà còn chú ý đến việc nuôi hươu sao sinh sản. Được biết, hiện nay, anh phát triển được 2 con đầu dòng sinh sản, giá giống mỗi con 70 - 90 triệu đồng. Hiện tại anh chia sẻ qua quá trình nuôi với đầu ra ổn định, hộ yên tâm và cũng cho thấy đây là mô hình có nhiểu triển vọng, thu nhập cao hơn chăn nuôi các đối tượng khác như lợn gà.
Mặc dù mới thực hiện với quy mô nhỏ lẻ nhưng nếu hộ dân biết cách đầu tư đúng hướng, chăm chỉ chịu khó thì rất dễ làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Thành công của mô hình là cơ sở để bà con nông dân trong xã và những vùng phụ cận có điều kiện học hỏi để mạnh dạn chuyển đổi đầu tư chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả cao trên đơn vị diện tích canh tác.