Diễn đàn "Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm"

Thứ hai - 27/02/2023 23:06 481 0
Diễn đàn "Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm"

Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp tổ chức Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” tại 2 điểm cầu chính là Văn phòng Bộ NN&PTNT phía Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch và Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản đồng chủ trì Diễn đàn tại điểm cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam.

 

Hình ảnh Diễn đàn tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có đại diện các sở ban ngành một số tỉnh, các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT; Các đơn vị cung ứng: Doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trồng trọt các tỉnh, thành phố; Một số đơn vị tiêu thụ: Doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt, các hệ thống phân phối, tiêu thụ ; các nhà đầu tư, đơn vị chế sản phẩm trồng trọt, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối nông sản của tỉnh/thành phố; Một số đơn vị nghiên cứu và các cơ quan Báo, Đài trung ương và địa phương.

Nâng cao chất lượng nông sản để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đang là ưu tiên của ngành nông nghiệp Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc và số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản – thực phẩm là công cụ quan trọng để tăng cường lòng tin của khách hàng, đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà sản xuất và nhà cung cấp đối với chất lượng các nông sản đưa ra thị trường. Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” được mong đợi sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân trong các chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, nắm bắt các cơ hội và thách thức trong áp dụng truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.

Từ đó, các cơ quan nhà nước có thể đưa ra các quy định, hướng dẫn và các giải pháp hỗ trợ cũng như các chế tài nhằm đảm bảo tính tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm phù hợp hơn.

Cụ thể, thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được cập nhật các thông tin liên quan về các quy định, thể chế, chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản – thực phẩm. Đồng thời, một số cách làm thành công về thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm của một số doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và thảo luận để học tập. Đặc biệt, các cơ quan Chính phủ sẽ nắm bắt được các khó khăn vướng mắc từ phía các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất trong việc áp dụng số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm và đưa ra các định hướng giải quyết trong thời gian tới.

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Mở đầu Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu mà trước hết chính vì sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam”.

Theo ông Thạch, hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên, thành tựu luôn song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN-PTNT không ngừng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, tích hợp đa giá trị, hướng tới xóa bỏ một nền nông nghiệp “mù mờ” từ người mua, người bán đến cơ quan quản lý, “mù mờ” từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc… Những nỗ lực đó nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Điều này cũng góp phần định danh nông sản Việt, xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Ông Howard Hall, Cố vấn cao cấp ACIAR phát biểu tại Diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Howard Hall, Cố vấn cao cấp ACIAR cho biết, trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, ACIAR luôn hướng đến hỗ trợ cộng đồng nông dân tiếp cận các thông tin liên quan đến thị trường hay thị hiếu người tiêu dùng,… trên nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, rau an toàn, cà phê,…ACIAR luôn tích cực chuyển giao, hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong đó có việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản.

Nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ông Howard Hall cho biết, công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ trở nên minh bạch, qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng nhất.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là chúng ta kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Để đảm bảo điều đó, chúng tôi đã đưa ra toàn bộ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc vi phạm quản lý của Bộ NN-PTNT (thực phẩm thực vật). Theo đó, vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra đánh giá là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số. Mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu. Mã số được cấp phải luôn bảo đảm tuân thủ các điều kiện của nước nhập khẩu và phải được giám sát bởi cơ quan quản lý để duy trì mã số. Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói tại địa chỉ: https://cms.packinghouse.online và các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.

Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại các địa phương) và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc (TXNG) của Bộ NN& PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/

Hệ thống đã xây dựng được 03 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin TXNG; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về TXNG dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; Cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

So sánh với hệ thống Dịch vụ công Quốc gia, ông Nam cho rằng, để hệ thống TXNG tại Bộ NN-PTNT hoạt động thực sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng TXNG Quốc gia. Do đó, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kiến nghị, TXNG nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp chặt chẽ với tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là 1 trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là 1 trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; thúc đẩy phát triển nông dân số; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; tự động hóa các quy trình; giám sát nguồn gốc và chuỗi cung ứng số; phát triển thương mại điện tử; chuyển đổi số trong quản lý điều hành. Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, cho sản phẩm của doanh nghiệp, quyền lợi của nông dân,…Với những giá trị to lớn trên, “Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu.

Thứ nhất là phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình.

Thứ hai là, số hóa dữ liệu. Mỗi một HTX là một dữ liệu, mỗi một người nông dân cũng là 1 dữ liệu... tập hợp thành một big data phục vụ cho nông dân số, khách hàng số của ngành nông nghiệp.

Thứ ba là, nền tảng dữ liệu.

Thứ tư là, các tác nhân cấu thành big data của ngành nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây