(Baonghean.vn) - Giá gạo tăng 500 đồng/kg; Ấn Độ cân nhắc cấm xuất khẩu gạo; Giá cà phê trong nước giảm tới 900 đồng/kg; Việt Nam chi 1,73 tỷ USD mua 1,36 triệu tấn hạt điều; Giá thép kỳ vọng “khởi sắc” vào cuối năm... là thông tin về thị trường hôm nay.
Giá gạo tăng 500 đồng/kg; Ấn Độ cân nhắc cấm xuất khẩu gạo
Giá lúa gạo hôm nay (14/7), tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng từ 50 – 500 đồng/kg. Nhu cầu mua gạo nhiều, giá bật tăng.
Cụ thể, tại kho An Giang, giá lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Với các chủng loại lúa còn lại, giá ổn định.
Đối với phụ phẩm, giá tấm IR 504 ở mức 9.600 - 9.700 đồng/kg; cám khô 7.400 – 7.500 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Theo các thương lái, hiện nay lượng gạo về ổn định, giá gạo bình ổn, nhu cầu mua nhiều. Giao dịch lúa mới chững, các thương lái mua chậm lại. Nhu cầu mua gạo nhiều, giá gạo bật tăng trở lại.
Tại các chợ lẻ, giá gạo thường điều chỉnh tăng 500 đồng/kg lên mức 11.500 – 12.500 đồng/kg. Các loại gạo còn lại giá duy trì ổn định. Gạo Hương Lài giá 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng giá 14.500 đồng/kg; Gạo Nàng Hoa giá 18.500 đồng/kg; Gạo Sóc thường dao động 14.000 - 15.000 đồng/kg. Gạo thơm Đài Loan có giá là 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg và cám duy trì mức 8.500 - 9.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định so với phiên trước đó. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 513 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 493 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.
Mới đây, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang xem xét cấm xuất khẩu với hầu hết các mặt hàng gạo. Nhiều doanh nghiệp dự báo, giá gạo của Việt Nam có thể neo ở mức cao nhờ nhu cầu từ các thị trường và thông tin cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. 6 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,24 triệu tấn, tương đương gần 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng, tăng 32,2% về kim ngạch so với 6 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 532,6 USD/tấn, tăng 9%.
Giá cà phê trong nước giảm tới 900 đồng/kg
Giá cà phê trong nước hôm nay (14/7), tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giảm từ 600 - 900 đồng/kg, giá cà phê cao nhất ở mức 65.400 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng giảm 900 đồng/kg. Ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 64.600 – 64.700 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 65.100 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk giảm 700 đồng/kg, ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 65.200 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 65.300 đồng/kg.
Giá cà phê thế giới ngày 14/7/2023 trên hai sàn phục hồi trở lại.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 6/2023 đạt 140.607 tấn, thấp hơn so với mức 150.000 tấn được một số chuyên gia ngành hàng ước tính ban đầu. Tin vui cho cà phê Việt, vừa qua, sản phẩm King Coffee - thương hiệu cà phê lớn của Việt Nam đã được bán trực tiếp vào hệ thống Costco Wholesale - chuỗi bán buôn lớn nhất tại Hoa Kỳ.
Từ năm 2021, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, King Coffee đã tiếp cận được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng để quảng bá hình ảnh sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và tạo dựng cơ hội tiếp cận với nhiều đại diện các chuỗi cung ứng lớn, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong đó có các Hiệp hội và Phòng Thương mại tại vùng Nam Hoa Kỳ; gồm Hiệp hội và Phòng thương mại như: Texas Restaurant Association-TRA, Asian Chamber of Commerce ACC…TP Houston.
Việt Nam chi 1,73 tỷ USD mua 1,36 triệu tấn hạt điều
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 279,4 nghìn tấn hạt điều, thu về gần 1,64 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nước ta lại chi gần 1,73 tỷ USD mua 1,36 triệu tấn hạt điều, tăng 16,4% về lượng và tăng 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 6 vừa qua, lượng điều nhập khẩu lên tới gần 313 nghìn tấn, giá trị đạt 351,6 triệu USD, tăng mạnh 20,2% về lượng và tăng 8,8% về giá trị so với tháng 6/2022.
Như vậy, nửa đầu năm nay, nếu giá trị điều xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,64 triệu USD thì chúng ta phải chi số tiền lớn nhập khẩu điều thô, lên tới 1,73 tỷ USD.
Theo đó, ngành điều Việt Nam tiếp tục kéo dài chuỗi ngày nhập siêu từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngành điều chính thức chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu vào năm 2021 (năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhập siêu kỷ lục sau hơn 3 thập kỷ duy trì xuất siêu).
Những năm qua, ngành điều Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu nội địa.
Thực tế, diện tích điều ở nước ta có xu hướng giảm dần đều. Từ 440.000 ha năm 2007, đến niên vụ 2019-2020, diện tích điều trên cả nước chỉ còn 302.500 ha, sản lượng khoảng 339.800 tấn. Năm 2022, theo kế hoạch sản xuất, tổng diện tích điều cả nước duy trì ổn định 305.000ha. Năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha, sản lượng điều thô (hạt khô) ước đạt 370.000 tấn.
Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, nhưng việc tăng nhập khẩu điều thô khiến nông dân trồng điều khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi trong nước giảm.
Giá thép kỳ vọng “khởi sắc” vào cuối năm
Giá thép hôm nay (14/7): Tăng tiếp 23 Nhân dân tệ/tấn trên sàn giao dịch.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá quặng sắt trong phiên 12/7 đã tăng 3% lên 108,93 USD/tấn. Mặc dù vậy, giá sắt vẫn đang thấp hơn gần 16% so với mức đỉnh gần nhất được lập được kể từ tháng 3.
Tại Việt Nam, mặc dù đối mặt nhiều thách thức nhưng nền kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng riêng. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hạ lãi suất lần thứ 4 liên tiếp.
Đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công. 6 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, tương đương 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV nhận định, sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt, thép trong nước tăng trưởng.
Hơn nữa, kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023 cũng được coi là nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Những kỳ vọng vào đầu tư công có thể là lực đẩy giúp ngành thép khởi sắc hơn vào cuối năm nay.
Nguồn: https://baonghean.vn/
Ý kiến bạn đọc