Nắng hạn, giá chè nguyên liệu ở Nghệ An tăng cao

Thứ tư - 26/07/2023 20:25 464 0
Nắng hạn, giá chè nguyên liệu ở Nghệ An tăng cao

Nắng hạn, cây chè kém phát triển được cho là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giá chè nguyên liệu tăng mạnh. Hiện tại, ở các vùng chè trên địa bàn huyện Thanh Chương, giá thu mua chè đang ở mức cao kỷ lục, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.

Giá chè nguyên liệu cao kỷ lục

Vườn chè bước sang năm thứ 5 và thứ 7, đang vào thời kỳ khá “thịnh” và có hệ thống tưới liên tục nên mặc dù nắng hạn, gần 1 ha chè của gia đình anh Nguyễn Thế Hợi, xóm 6, xã Thanh Hương vẫn đạt năng suất khá cao. Không những thế, lứa chè mới nhất anh nhập được với giá 5.300 đồng/kg, chè đẹp 5.800 đồng/kg.

“Mỗi lứa chè bình quân từ 1,6- 1,7 tấn. Nếu không đưa ra xưởng được thì họ vào tận vườn để mua, có trừ 5- 7 giá cho chi phí và công vận chuyển. Lứa chè đầu của năm nay chỉ bán được với giá 2.000- 2.500 đồng/kg, lâu lắm rồi giá chè mới tăng cao như hiện nay. Tầm 20 ngày nữa, gia đình lại tiếp tục đợt thu hái mới", anh Hợi cho biết.

bna_ a Hợi. Ảnh- Phú Hương.jpg
Tầm 20 ngày nữa, vườn chè gần 1 ha của gia đình anh Nguyễn Thế Hợi sẽ cho lứa thu hái mới. Ảnh: Phú Hương

Mở cơ sở chế biến từ 20 năm nay, chị Trần Thị Hiền, chủ cơ sở chế biến chè Thế Mạnh ở xã Thanh Hương (Thanh Chương) cho biết: Giá chè nguyên liệu thu mua thời điểm này là mức giá “đỉnh” nhất trong rất nhiều năm trở lại đây. Mặc dù vậy, nguồn cung vẫn không đủ, mấy tuần nay chị phải sang tận các huyện Con Cuông, Anh Sơn để thu mua thêm.

“Vào dịp thu hoạch chè, mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ khoảng 20 tấn nguyên liệu tươi. Mọi năm, chè Thanh Chương chiếm khoảng một nửa lượng chè nguyên liệu, nhưng năm nay chỉ được chưa đầy 30%. Sản lượng trên địa bàn giảm, nguồn cung hạn chế nên các xưởng chế biến thi nhau đội giá lên, hiện giá mua tại xưởng đã ở mức 5.600- 5.700 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm; lại chủ yếu phải mua ở các địa phương khác nên phải gánh thêm chi phí nhân công và vận chuyển”, chị Hiền cho biết.

bna- xưởng 2. Ảnh- Phú Hương.jpg
Dịp này, chè nguyên liệu của xưởng chế biến chè Thế Mạnh (Thanh Chương) chủ yếu được thu mua từ huyện Con Cuông và Anh Sơn. Ảnh: Phú Hương

Hiện nay, xuất khẩu hạn chế nên xưởng chè của gia đình chị Hiền chủ yếu chế biến để tiêu thụ nội địa trong nước. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao kỷ lục thì sản phẩm chế biến hầu như vẫn giữ giá. Trong khó khăn, xưởng vẫn hoạt động bình thường, vừa tiêu thụ chè cho người dân, vừa tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25 công nhân của xưởng.

Nắng hạn, năng suất chè giảm

Gia đình chị Hoàng Thị Loan có 2 ha chè được trồng mới lại từ năm 2019. Năm nay, lứa này là lứa chè thứ 3 được thu hoạch. Chị Loan cho biết, lứa đầu dạo tháng 2 giá chỉ 2.300- 2.500 đồng/kg, từ 2 lứa sau giá tăng dần và hiện giá nhập tại xưởng là 5.800 đồng/kg. Tuy nhiên, năng suất chè lại kém hơn do hạn. Nếu mọi năm phải sang tháng 5, tháng 6 mới phải sử dụng hệ thống tưới thì năm nay từ tháng 4 đã phải tưới liên tục cho chè.

“Năm nay hạn sớm nên chi phí tiền điện tăng, chất lượng chè cũng bị ảnh hưởng, thành thấp. Không chỉ vậy, giá thuê nhân công năm ngoái chỉ 200.000 đồng/ngày thì năm nay tăng lên 250.000 đồng, các loại lân đạm, tiền thuê thu hái cũng tăng cao nên thu nhập cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhờ giá chè tăng cao kỷ lục nên vẫn khả quan hơn mọi năm”, chị Loan phấn khởi.

bna_ chị Loan. Ảnh- Phú Hương.jpg
Chị Loan chăm sóc vườn chè của gia đình. Ảnh: Phú Hương

Mấy năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 và một số yếu tố khác, nhiều thời điểm giá chè nguyên liệu tại Thanh Chương chỉ được thu mua với giá trên 2.000 đồng/kg nhưng vẫn ế ẩm, các xưởng thu mua rất hạn chế; nhiều hộ dân phải thu hái chè bó nhập rẻ cho thương lái đưa đi bán ở các chợ trong vùng, nhiều gia đình đã phá bỏ chè chuyển sang trồng ngô, lạc. Nhưng năm nay một số hộ đã làm đất trồng lại chè.

bna_ xưpngr 1. Ảnh- Phú Hương.jpg
Cây chè tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Xã Thanh Thịnh có hơn 255 ha chè, ngoài nhập cho các xưởng chế biến trên địa bàn, người dân còn bán chè nguyên liệu cho các xưởng chế biến tại Hạnh Lâm, Thanh Đức… Theo bà Đinh Thị Hằng, công chức nông nghiệp xã, nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây chè. Sau những thiệt hại nặng nề do nắng hạn trong 2 năm 2019- 2020, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ trồng chè đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun, nhờ đó diện tích chè bị thiệt hại, khô cháy đã giảm hẳn, tuy nhiên nắng hạn vẫn làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng chè, nhất là tại những diện tích chưa có hệ thống tưới, không có nguồn nước.

Nguồn: https://baonghean.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây