XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU MUỐI QUỲNH LƯU - THU HÚT ĐẦU TƯ, BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH MUỐI NGHỆ AN

Thứ hai - 15/05/2023 02:45 330 0
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU MUỐI QUỲNH LƯU -  THU HÚT ĐẦU TƯ, BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH MUỐI NGHỆ AN
Muối là một trong những thực phẩm không thể thiếu được của con người. Ngoài công dụng làm gia vị, muối còn là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp hóa chất, chế biến thực phẩm....Vùng ven biển nước ta nói chung, ven biển Nghệ An nói riêng có nhiều thuận lợi cho phép phát triển nghề muối, mặc dù vậy trong thời gian qua ngành muối phát triển chưa tương xứng. Năng suất thấp, chất lượng muối không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Đời sống nhân dân vùng muối gặp rất nhiều khó khăn.
Nghệ An là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên: 1.648.977,2 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 302.013 ha; đất lâm nghiệp 1.160.242 ha, có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội). Bờ biển Nghệ An có nhiều bãi tắm đẹp và hấp dẫn như bãi tắm Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương..., nước sạch, sóng không lớn, độ sâu thoải, độ mặn thích hợp, ở vị trí thuận lợi về giao thông.
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhiều vùng có thời tiết khí hậu thuận lợi cho sản xuất muối. Đây là nghề truyền thống từ lâu đời, diêm dân cần cù, chăm chỉ và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối. Hiện nay, Nghệ An có 2 huyện có nghề sản xuất muối với tổng diện tích sản xuất 800 ha. Sản xuất muối hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công. Sản lượng muối năm cao nhất đạt 80.000 tấn, các vùng sản xuất muối đều hình thành từ lâu dựa trên yếu tố thuận lợi về thời tiết, vị trí, diện tích... và đa phần mang tính tự phát. Do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì vậy ngoài yếu tố về khoa học công nghệ, thì số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định tới sản lượng, chất lượng muối.
Để đáp ứng nhu cầu muối phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1325 phê duyệt đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030. Đây là nội dung cần thiết để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận, dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của toàn tỉnh với diện tích trên 592 ha, tập trung tại các xã: An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, Quỳnh Yên, Quỳnh Thuận... Sau nhiều năm giá muối xuống thấp thì hiện nay giá muối đã bắt đầu tăng trở lại, thậm chí cao nhất từ trước đến nay. Giá được thương lái thu mua tại ruộng từ 2.200-2.400 đồng/kg. Theo tìm hiểu từ các thương lái, giá muối tại huyện Quỳnh Lưu được thu mua cao hơn so với các năm là do muối ở các tỉnh phía Nam mất mùa, sản lượng tụt giảm nên thị trường phía Bắc tập trung thu mua toàn bộ muối của bà con diêm dân Quỳnh Lưu. Trong khi đó, ở Nghệ An, vào chính vụ sản xuất muối thì thời tiết không mấy thuận lợi nên năng suất, sản lượng giảm, nguồn cung hạn chế.
Để giúp diêm dân lưu giữ nghề muối truyền thống, từ năm 2012 đến nay huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng gần 7.000 bộ chạt lọc cải tiến, với trị giá gần 21 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ trãi bạt nhựa HDPE trên ô kết tinh cho gần 800 đơn vị sản xuất muối (60m2/đơn vị), trị giá 2,4 tỷ đồng.
Theo thống kê từ phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, năm 2022 diêm dân đã sản xuất ước đạt trên 50.000 tấn. Hiện nay địa phương cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm, đầu tư nhà máy chế biến muối tinh, muối i-ốt và các loại sản phẩm khác từ muối. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 4 nhà máy chế biến muối tinh, muối i ốt. Từ hoạt động chế biến, mỗi năm các đơn vị đã thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 - 50.000 tấn muối thô.
Hình ảnh: Cánh đồng muối Tân Thịnh, An Hoà - Quỳnh Lưu
Bên cạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng hạ tầng để thu mua, chế biến muối thô, huyện Quỳnh Lưu đã kêu gọi 30 cơ sở làm dịch vụ thu mua muối tại ruộng cho bà con và nhiều HTX trên địa bàn sản xuất muối đã đứng ra bao tiêu sản phẩm, đây là điều kiện, động lực giúp bà con yên tâm sản xuất, bám nghề muối truyền thống của địa phương.
Hiện nay, có nhiều làng muối ở huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề sản xuất muối, như làng nghề sản xuất muối Tân Thịnh, làng nghề muối Ngọc Tiến, làng nghề sản xuất muối Hợp Công…
Nhờ chính sách thu hút đầu tư nhiều công ty, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư chuyền sản xuất muối sạch, muối iốt; đến nay muối Quỳnh Lưu đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ và Nhật Bản tuy nhiên xét về tổng thể, ngành muối truyền thống trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với muối của các công ty ngoại tỉnh, đặc biệt nghề muối hiện nay thu nhập còn thấp so với các ngành nghề sản xuất khác, sản xuất nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, công nghệ còn thủ công, hạ tầng nghề muối hiện nay xuống cấp, giá cả còn thấp chưa ổn định; Muối nhập khẩu nhiều dẫn đến giá trị muối trong nước khó cạnh tranh về giá cả. Thiết bị máy móc sử dụng trong sản xuất nghề muối xuống cấp hư hỏng nhanh dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.
Để xây dựng thương hiệu muối Quỳnh Lưu và thu hút đầu tư, bảo tồn và phát triển ngành muối Nghệ An hướng tới xuất khẩu thiết nghĩ cần phải có các giải pháp như: Ổn định diện tích, năng suất, sản lượng muối của tỉnh thực hiện theo đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể tỉnh Nghệ An; Cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đồng muối đáp ứng được yêu cầu sản xuất muối biển sạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: cải tiến chạt lọc, trải bạt nền ô kết tinh, phủ bạt che mưa,…; Đa dạng hoá sản phẩm muối chế biến đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm muối; Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên có lợi cho sức khỏe, đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu muối sạch sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm cao cấp trong nước và xuất khẩu.
Hình ảnh: Các sản phẩm Muối của công ty TNHH ABACA VIỆT NAM - Quỳnh Lưu

Để cho ngành Muối truyền thống phát triển bền vững hướng tới xuất khẩu, cần hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, làng nghề đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao năng lực chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu chế biến sản phẩm mới phù hợp thị trường, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm muối và đặc biệt là cần nhiều hơn sự đồng hành của các cấp, các ngành để vừa giải quyết những khó khăn nội tại, vừa khẳng định vị thế, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị…
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây