Phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc sinh sản

Thứ năm - 13/04/2023 23:36 167 0
Phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc sinh sản
Những năm qua, người dân xã Thượng Tân Lộc- huyện Nam Đàn – Nghệ An đã phát huy lợi thế tự nhiên về địa hình, đất đai, thảm thực vật… để phát triển chăn nuôi gia súc đặc biệt là gia súc sinh sản như trâu, bò, dê. Mô hình này phù hợp với điều kiện của các hộ dân nhờ tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên, bãi chăn thả rộng, nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp nhiều, dễ tiêu thụ, quay vòng vốn nhanh và cho hiệu quả cao.
 

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xóm Đại Đồng- xã Thượng Tân Lộc là hộ dân với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi gia súc.Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông; sau khi lấy chồng chị cũng tiếp tục gắn bó với nghề nông, chăn nuôi. Thời gian đầu chị chỉ nuôi 2 con bò sinh sản, sau 1 năm đã cho 2 con bê và bán được giá. Nhận thấy hiệu quả, chị quyết định mở rộng quy mô và đa dạng hóa vật nuôi gồm trâu, bò, dê sinh sản. Trên mảnh đất gia đình, chị Tuyết đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi gồm 1 dãy chuồng nuôi trâu bò, 1dãy chuồng nuôi dê, 1 nhà kho để dự trữ thức ăn thô khô và sân chơi cho vật nuôi với tổng diện tích khoảng hơn 200m2. Phần còn lại chị trồng thêm cây ăn quả, chuối và rau phục vụ nhu cầu gia đình và tạo bóng mát khu chăn nuôi. Gia đình chị luôn duy trì đàn dê gần 20-30 con, 3-4 con trâu và 4-6 con bò; trong đó 5-7 con dê, 2 con bò và 2 con trâu sinh sản. Chị Tuyết cho biết, đàn gia súc của gia đình chị luôn khỏe mạnh ít dịch bệnh, đẻ đều. Mỗi năm từ những con gia súc sinh sản cho thêm 2 con bê và 2 con nghé và trung bình khoảng 15-20 con dê con.

Chị Tuyết cho biết, thức ăn phục vụ cho trâu, bò, dê chủ yếu là thức ăn thô xanh và bổ sung thêm thức ăn tinh. Với lợi thế bãi chăn thả rộng, nguồn cỏ tự nhiên phong phú nên chị nuôi theo hình thức bán chăn thả. Những ngày thời tiết thuận lợi chị cho gia súc chăn thả tự kiếm ăn, chiều tối về bổ sung thêm cỏ và tinh bột (cám, ngô). Để đảm bảo chủ động nguồn thức ăn chị luôn duy trì 500mđất trồng cỏ voi và tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp. Chị trồng 0,5 ha ngô và 0,5 ha lúa theo mùa vụ. Bắp ngô, lúa để làm thức ăn tinh bổ sung, thân cây ngô và rơm làm thức ăn thô xanh hoặc phơi khô để làm thức ăn dự trữ. Phân trâu bò, dê lại được dùng để làm phân bón phục vụ trồng trọt, giúp tiết kiệm được chi phí.
 
                 Chăn nuôi gia súc hộ chị Tuyết- xóm Đại Đồng- xã Thượng Tân Lộc

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chị Tuyết nói: Nuôi gia súc sinh sản để thành công trước hết cần chọn con giống tốt, rõ nguồn gốc, khả năng sinh sản cao, cho con thương phẩm chất lượng. Chị chọn nuôi bò lai 3B, trâu lai và dê cỏ lai. Đối với bò sinh sản chị áp dụng phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, còn dê và trâu thì cho nhảy trực tiếp. Cứ 1,5 năm thay con đực nhằm tránh phối giống cận huyết. Để đàn gia súc luôn khoẻ mạnh và phát triển tốt người chăn nuôi cần chú ý kiểm tra hàng ngày để nhận biết tình trạng sức khoẻ con vật, phát hiện các biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời, nuôi dưỡng, chăm sóc thức ăn đầy đủ, bổ sung thêm thức ăn tinh, thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi, tẩy kí sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định như bệnh viêm da nổi cục trâu bò, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… 

Ngoài phục vụ nhu cầu gia đình dịp lễ, tết… mỗi năm chị xuất bán 8-10 con dê thịt bình quân khoảng 35 kg/con x giá 130-140 nghìn đồng/kg và 2-3 con cả trâu, bò thương phẩm với giá 25-30 triệu/con cho tổng thu nhập 85-130 triệu đồng/năm. Có những năm giá dê thương phẩm cao 150-170 nghìn đồng/kg và trâu bò trên 35 triệu/con thu nhập mang lại còn cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Long - công chức nông nghiệp xã Thượng Tân Lộc cho biết: "Chăn nuôi nhất là nuôi gia súc là thế mạnh của xã. Hộ chị Nguyễn Thị Tuyết ở xóm Đại Đồnglà một nông dân chăm chỉ, cần cù, biết vận dụng lợi thế tự nhiên để chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế khá hiệu quả. Không những vậy chị còn rất nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi với mọi người xung quanh để cùng nhau học hỏi, làm giàu".

Qua mô hình chăn nuôi của chị Tuyết có thể nhận thấy nếu người dân biết
phát huy khai thác, tận dụng nguồn lực sẵn có ở địa phương, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất, chăn nuôi thì sẽ đem lại hiệu quả phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương. Mong rằng mô hình của chị sẽ phát triển hơn nữa, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp văn minh.
Nguồn: Tập san Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây