Đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên

Chủ nhật - 09/04/2023 23:22 144 0
Đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên
Sau hơn một năm triển khai Đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Hưng Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đa dạng các mô hình

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và đồng hành tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc từ cơ sở, Hưng Nguyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX vào đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sau hơn một năm triển khai đề án, Hưng Nguyên đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trang trại rau thủy canh HTX Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden ở xã Hưng Lĩnh là một điển hình.

Đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên ảnh 1

Sản xuất cà chua trong nhà lưới ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Trân Châu

Anh Nguyễn Văn Đạt - Giám đốc HTX cho biết: Mô hình rau thủy canh hiện đã trồng được 2-3 vụ, gồm xà lách, cải ngọt, cải xoăn, cà chua, dưa chuột. Sản xuất có sổ ghi chép, lịch cách ly, theo dõi sát sao quy trình phát triển. Giá bán cải ngọt 25-30 ngàn đồng/kg, cải xoăn giá 50-60 ngàn đồng/kg...

Để tiêu thụ rau, trang trại đang tổ chức bán lẻ, ship tận nơi cho khách ở địa bàn thị trấn Hưng Nguyên và thành phố Vinh.

Sau 3 vụ sản xuất, số lượng người mua ngày càng tăng. Đến mùa xuân hè, rau thủy canh bán khá chạy. Tuy nhiên, mùa thu đông, người dân tự trồng rau nhiều nên sức mua chững lại.

Đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên ảnh 2

Cà chua sạch trong nhà lưới ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Trân Châu

Với 360m2 nhà màng, sau 2 tháng, mỗi vụ rau cho thu hoạch 7 tạ, HTX có doanh thu khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 15 triệu đồng.

Ngoài các loại rau, trang trại còn nuôi cá lăng, 1 năm thu 2 lứa, mỗi lứa khoảng 1 tấn cá, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí còn 150 triệu đồng. Trong quá trình sản xuất, HTX đã ứng dụng công nghệ kiểm soát lượng nước tưới, phân bón... thông qua điện thoại thông minh. Sắp tới, để hiệu quả cao hơn, HTX Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden sẽ nhân rộng cà chua, dưa lưới, dưa chuột...

Anh Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại xã Hưng Thành cho biết: sau khi thu hoạch dâu tây, lãi được khoảng 60 triệu đồng. Anh tiếp tục trồng nho, dưa lưới, ngô tím... Sản phẩm đang ít nên chưa đủ bán ra siêu thị, HTX đang bán lẻ là chủ yếu.

Chị Bá Thị Dung - Phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 3 khu nhà lưới, nhà màng tại vùng bãi Hưng Lĩnh, Hưng Thành và Hưng Thông, kết hợp đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt để sản xuất rau, quả cao cấp như: Dưa lưới, dâu tây, dưa chuột baby, cà chua, cải thảo... cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn huyện.

Một số xã đã xây dựng các vùng sản xuất rau, được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường điện, hệ thống giếng tưới, hệ thống tưới tự động phun mưa, nhỏ giọt. Đó là vùng rau các xã Hưng Thành, Long Xá, Hưng Tân với diện tích gần 10 ha. Cùng đó, nông dân ở đây được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn, sản xuất rau theo hướng VietGAP.

Đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên ảnh 3

Trồng dâu tây nơi đất bãi Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Phúc

Hưng Nguyên còn có mô hình nông nghiệp công nghệ cao Israel đầu tiên trên vùng đất bãi và của huyện Hưng Nguyên, đó là Nhà lưới Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại xã Hưng Thành. Sau 4 năm sản xuất, các cây trồng chủ đạo là dưa lưới, dâu tây, cà chua, dưa chuột… đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân thu nhập 180-220 triệu đồng/ha/năm. Ngoài giá trị kinh tế, thời gian gần đây, nhiều gia đình, trường học đã lựa chọn mô hình nông nghiệp công nghệ cao này làm điểm đến tham quan, trải nghiệm.

Ngoài ra, hiện nay Hưng Nguyên còn có các mô hình liên kết sản xuất khoai tây Atlantic gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX Dịch vụ chăn nuôi và nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thắng triển khai từ vụ đông năm 2021 tại xã Xuân Lam với diện tích 10 ha. Hay như vùng sản xuất rau màu Cồn Gồ xã Hưng Tân với diện tích 2 ha, áp dụng công nghệ tưới phun mưa cho các loại rau, cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng mỗi vụ.

Nhiều cơ chế hỗ trợ

Để khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Hưng Nguyên có cơ chế hỗ trợ 30% giá trị hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, tưới thấm, hệ thống làm lạnh, làm mát bảo quản sản phẩm; hỗ trợ 50% xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/m2 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau, củ quả theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Đại diện lãnh đạo huyện Hưng Nguyên cho biết: Tính đến nay, tổng số kinh phí hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đối với các hạng mục là 1,754 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 1,350 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 404 triệu đồng.

Trong đó, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại xã Hưng Thành được hỗ trợ 250 triệu đồng, nhà màng của Công ty TNHH Xứ Nghệ Farm ở xã Hưng Thông được hỗ trợ 300 triệu đồng; hệ thống tưới của Chi nhánh HTX sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh ở bãi bồi xã Long Xá: 200 triệu đồng; Hệ thống tưới của HTX dịch vụ nông nghiệp và MT Hưng Tân: 200 triệu đồng... Chi phí hỗ trợ tập trung vào nhà màng, nhà lưới, ngoài ra còn các chi phí hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, chi phí thành lập HTX...

Một chủ trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho biết: Do đầu tư khá lớn, phải theo dõi sát sao, ghi chép đầy đủ, nên giá thành các sản phẩm nông sản và rau trong nhà lưới, nhà màng cao hơn thị trường khoảng 50%, có khi cao hơn. Việc sản xuất thử nghiệm cộng với số lượng còn hạn chế để theo dõi thị trường nên cũng chưa dám mạnh dạn sản xuất nhiều vì sợ ế đọng.

Như ở HTX rau thủy canh Hưng Lĩnh, anh Nguyễn Văn Đạt - Giám đốc cho biết, sản phẩm rau thuỷ canh cũng chưa thực sự hiệu quả, có lúc còn bị tồn đọng. Đến tháng 5, tháng 6 năm nay, HTX có kế hoạch cung ứng rau cho các trường học ở Vinh để ổn định hơn. Còn anh Nguyễn Văn Sơn ở Hưng Thành thì khẳng định sẽ tập trung bán hàng qua các kênh mạng vì đây là kênh rất hiệu quả.

Để có thể nâng cấp sản lượng, chất lượng sản phẩm, HTX mong muốn được chính quyền các cấp hỗ trợ các loại máy sản xuất như: Máy làm phân bón, máy phát điện, máy làm đất đa chức năng...

Đồng hành trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên ảnh 4

Rau thủy canh sản xuất ở Hưng Nguyên. Ảnh: Trân Châu

Chị Bá Thị Dung - Phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: "Ngoài hỗ trợ cơ sở hạ tầng, huyện còn có chính sách hỗ trợ lập các gian hàng giới thiệu đặc sản của địa phương, kết nối với các Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản để đưa vào các siêu thị; kết nối với các trường học trên địa bàn để các cơ sở có cơ hội cung cấp. Qua đó chúng tôi nhận thấy, vẫn có sự "lệch pha" về tiêu thụ và nhu cầu. Các trường học có nhu cầu về củ, quả như bầu, bí... nhưng các sản phẩm này không sản xuất tại nhà lưới. Còn các siêu thị lại đòi hỏi số lượng ổn định trong khi sản phẩm của chúng ta chưa nhiều và theo mùa vụ. Chúng tôi thấy các loại như khoai tây, xà lách, dưa chuột... là có thị trường, nên các cơ sở sản xuất cũng cần nghiên cứu để có sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường và tiến tới có đầu ra ổn định./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây