Buổi làm việc nhằm trao đổi về kế hoạch hoạt động phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là những kinh nghiệm xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hướng đến phát triển kinh tế rừng bền vững
Trước đó, đoàn công tác UBND tỉnh Tuyên Quang đã đi thăm Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại huyện Nghi Lộc. Năm 2021, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ với diện tích 612 ha, đây là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh thông tin về phát triển nông- lâm nghiệp của tỉnh Nghệ An những năm qua. Ảnh: Phú Hương |
Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp. Xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực miền Trung. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2025 của vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng 1 tỷ USD.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu một số thông tin về phát triển lâm nghiệp của Nghệ An.
Đoàn công tác UBND tỉnh Tuyên Quang tham quan Khu lâm nghiệp công nghệ cao tại Nghi Lộc. Ảnh: Phú Hương |
Nghệ An có trên 962.000 ha đất có rừng, độ che phủ rừng đạt 58,41%. Những năm qua, kinh tế rừng trên địa bàn đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2022 đạt 9,07%, tăng 1,27% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD, tăng 66% so với năm 2021. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC tăng qua từng năm, với diện tích hiện tại đạt gần 16.000 ha.
"Nghệ An đang tập trung các giải pháp nhằm hướng đến phát triển kinh tế rừng hiệu quả và bền vững”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang- đồng chí Nguyễn Thế Giang phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phú Hương |
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, với 448.000 ha diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chiếm 76% diện tích tự nhiên), Tuyên Quang hiện có trên 426.000 ha diện tích rừng. Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha; hàng năm khai thác trên 1 triệu m3 gỗ, trên địa bàn hiện có 8 nhà máy chế biến gỗ.
Tuyên Quang đang triển khai lập Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”.
Xác định rõ lĩnh vực để có giải pháp đầu tư hiệu quả
Tại buổi làm việc, hai bên đã tìm hiểu, trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn về phát triển sản xuất cũng như những giải pháp nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu về lĩnh vực nông- lâm nghiệp, nhất là việc phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gắn với bảo vệ môi trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ trao đổi về một số giải pháp của Nghệ An trong phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp. Ảnh: Phú Hương |
Nghệ An cũng đã chia sẻ về những giải pháp phát triển bền vững nông- lâm nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với những vấn đề cụ thể như: Huy động nguồn lực, việc xác định địa điểm, quy mô, tạo quỹ đất, vấn đề tổ chức quản lý, kế hoạch thu hút doanh nghiệp đầu tư, các chính sách của tỉnh; những khó khăn, vướng mắc cũng như những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả để có thể xây dựng thành công Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Nghệ An trao tặng Tuyên Quang bức tranh Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phú Hương |
Theo đó, Nghệ An đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông- lâm nghiệp như: Hỗ trợ chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn; hỗ trợ đào tạo lao động, đầu tư đường giao thông đến khu sản xuất, vùng nguyên liệu; san lấp mặt bằng; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sản xuất sản phẩm mới.
“Chúng tôi cũng xác định các hành lang kinh tế với từng lĩnh vực phát triển, trong đó vấn đề xây dựng các khu nông- lâm nghiệp công nghệ cao được tỉnh đưa vào quy hoạch cụ thể để có giải pháp thực hiện hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết.
Ý kiến bạn đọc