Vì sao việc quản lý rác thải thuốc BVTV vẫn mãi chưa thể triệt để, trong bài viết này, xin được đề cập tới từ thực tiễn ở Nghệ An.
Trung bình mỗi năm Nghệ An gieo trồng trên 380.000ha cây trồng các loại, sử dụng khoảng từ 350 - 600 tấn thuốc BVTV… Toàn bộ lượng thuốc BVTV nói trên sau khi đã sử dụng để lại trên đồng ruộng ít nhất từ 35 - 40 tấn bao bì, chai lọ, nhãn mác (gọi chung là rác thải thuốc BVTV) và một lượng thuốc còn dính sót lại trong các loại rác thải đó.
Việc phun thuốc BVTV đã gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí… Nhưng càng nguy hiểm hơn là sau khi phun thuốc, các loại rác thải thuốc BVTV được vứt bỏ lại trên đồng ruộng, không những gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn mà còn khó hoặc không thể phân huỷ được.
Biết sự nguy hại của việc sử dụng thuốc BVTV và tình trạng vứt bỏ rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được hiệu quả để vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất: Trong tất cả các biện pháp phòng chống sâu bệnh, cỏ dại gây hại cây trồng từ trước tới nay, chúng ta đang coi trọng biện pháp sử dụng các loại thuốc hoá học là biện pháp hàng đầu, biện pháp không thể thay thế mà xem nhẹ các biện pháp canh tác để không gây hại môi trường, không làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của sinh vật khác và cả sức khoẻ con người. Đó là các biện pháp:
Gieo cấy mật độ thưa, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm hoặc rất ít bị các loại sâu bệnh gây hại, như rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ xít, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn…
Bón phân cân đối, hợp lý, nhất là phân đạm nhằm hạn chế các bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn…
Cày bừa kỹ, nhuyễn, ngâm ngấu đất trước khi gieo cấy, vừa là biện pháp thâm canh tốt cho cây trồng, vừa tiêu diệt cơ bản cỏ dại, không phải dùng thuốc diệt cỏ nhiều như hiện nay.
Áp dụng quy trình canh tác IPM, ICM, SRI…, vừa thâm canh cây trồng khoa học, hợp lý, vừa ngăn ngừa và hạn chế sự xuất hiện của nhiều loại sâu bệnh phá hoại… giúp giảm thiểu rất lớn việc phải sử dụng các loại thuốc BVTV.
Nếu thực hiện tốt những biện pháp trên, sẽ hạn chế được việc rác thải thuốc BVTV bị vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng.
Thứ hai: Việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, khó kiểm soát. Thực tế hiện nay, khi cây trồng bị một loại sâu bệnh nào đó gây hại thì không ít bà con nông dân phải tự mình ra thị trường hỏi mua thuốc về dùng.
Ông Nguyễn Văn Ất, nông dân ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nói với chúng tôi: Sản xuất nông nghiệp bây biờ chủ yếu ruộng nhà ai, nhà nấy lo. Mỗi khi cây trồng bị sâu bệnh thì đến các ki ốt hoặc ra chợ hỏi mua thuốc về phun. Người bán thuốc chỉ cần bán được thuốc để lấy tiền, còn sau khi đem về phun có hiệu quả hay không chẳng cần biết, hậu quả là “tiền mất, tật mang”, lại còn gây ra ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Thứ ba: Thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Nhưng việc quản lý kinh doanh mặt hàng này hiện nay còn lỏng lẻo. Tuy trách nhiệm đã được quy định rõ ràng, nhưng việc thanh kiểm tra không được tiến hành liên tục, nhất là ở cấp huyện, thành, thị và cấp phường, xã chưa được quan tâm đúng mức.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 637 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, chưa kể các hộ buôn bán thuốc BVTV mang tính thời vụ. Việc không quản lý được, không thanh kiểm tra, kiểm soát được mặt hàng thuốc BVTV hiện nay cũng góp phần làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc BVTV tràn lan và vứt bỏ rác thải thuốc BVTV bừa bãi trên đồng ruộng...
Thứ tư: Chưa thật sự làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân về 2 việc cần biết, cần làm, đó là:
Cần biết cây trồng đang bị loại sâu bệnh gì, nếu không biết thì phải hỏi cán bộ kỹ thuật tại địa phương hoặc trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị để biết và được hướng dẫn cách phòng trừ có hiệu quả nhất.
Cần làm, đó là sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật. Sử dụng hết thuốc phải thu gom hết bao bì, chai lọ… bỏ vào bể chứa rác thải thuốc BVTV theo quy định. Nơi nào chưa có bể chứa rác thải thuốc BVTV thì thu gom lại để đốt hoặc chôn lấp theo quy định của ngành BVTV.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến tận từng người dân về 2 việc cần biết và cần làm nói trên rất quan trọng để mỗi người dân đều được nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng thuốc BVTV và thu gom rác thải thuốc BVTV. Nếu việc này không làm tốt thì có xây dựng bao nhiêu bể chứa rác thải thuốc BVTV ngoài đồng ruộng cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Thứ năm: Số bể chứa rác thải thuốc BVTV còn quá ít. Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, toàn huyện có 44.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 13.200ha đất sản xuất lúa 2 vụ (xuân và hè thu). Theo thông tư liên bộ giữa Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT, các vùng lúa của huyện cần có 4.400 bể thu gom rác thải thuốc BVTV. Nhưng hiện tại, cả kinh phí của nhà nước hỗ trợ và của dân tự đóng góp thêm, huyện mới xây dựng được 2.275 bể, đạt 50% nhu cầu cần có.
Tại huyện Đô Lương, ông Nguyễn Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, hiện toàn huyện chỉ mới có 3.864 bể chứa rác thải thuốc BVTV, so với nhu cầu cần có còn thiếu hơn 2.000 bể chứa nữa.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An, hàng năm Nghệ An gieo trồng gần 154 nghìn ha lúa, rau màu và cây ngắn ngày các loại cần được đặt bể thu gom rác thải thuốc BVTV với số lượng cần có theo quy định là 51.330 bể. Nhưng tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh mới có 17.203 bể, số lượng bể còn thiếu là 34.127 bể, bằng 66,48% nhu cầu cần có.
Qua theo dõi, tổng kết và ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, tôi thấy cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây nhằm quản lý tốt hơn rác thải thuốc BVTV.
Một: Tăng cường truyên truyền, tập huấn hướng dẫn đến tất cả người dân biết tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan và việc vứt bỏ rác thải thuốc BVTV bừa bãi trên đồng ruộng.
Đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho nông dân nhận biết một số loại sâu bệnh thông thường và phổ biến trên đồng ruộng, cùng với việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh theo phương pháp "4 đúng" (đúng thuốc, pha đúng nồng độ, phun đúng liều lượng quy định và phun đúng kỹ thuật).
Sau khi sử dụng hết thuốc BVTV phải thu gom hết bao bì, chai lọ… bỏ vào bể chứa rác thải thuốc BVTV. Nếu nơi nào chưa có bể chứa rác thải thuốc BVTV thì thu gom lại để ở nơi quy định của xóm, xã, bản, làng để đốt hoặc chôn lấp theo quy trình hướng dẫn của ngành BVTV và tài nguyên môi trường.
Hai: Tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh các mặt hàng thuốc BVTV trên phạm vi toàn tỉnh. Trách nhiệm tổ chức đoàn thanh kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV không riêng gì của ngành nông nghiệp ở tỉnh, mà là trách nhiệm của nhiều ngành (nông nghiệp, công an, công thương, thuế, tài nguyên môi trường…) và chính quyền các địa phương, nhất là ngăn ngừa tình trạng buôn bán các loại thuốc BVTV không có giấy phép kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề được đào tạo…
Ba: Trung ương và các cấp ở địa phương hàng năm dành một khoản kinh phí thích đáng giúp các cơ sở sản xuất nông nghiệp triển khai thật nhiều bể chứa rác thải thuốc BVTV theo đúng quy định liên bộ giữa Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT ngày 16/05/2016 để nhanh chóng khép kín hệ thống bể thu gom rác thải thuốc BVTV tại các địa phương.
Bốn: Xây dựng một số mô hình về ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất thâm canh ít có sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu như quy trình sản xuất theo pháp pháp IPM, ICM, SRI, gieo cấy mật độ thưa kết hợp canh tác hữu cơ. Xây dựng mô hình về thu gom và xử lý rác thải thuốc BVTV có hiệu quả. Từ đó tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham quan học tập và nhân rộng mô hình.
Ý kiến bạn đọc