Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ATTP
Thứ tư - 23/10/2024 11:04530
Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đang được phổ biến, gia tăng về số lượng và đa dạng các loại hình sản phẩm chế biến; đặc biệt là đa dạng hóa các sản phẩm trong các chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCCOP. Việc tìm hiểu để đáp ứng đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh cũng đang được người dân chú trọng và quan tâm.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (tạm gọi chung là cơ sở); các cơ sở ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, các cơ sở còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản: là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản, muối.
Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm nông, lâm, thủy sản: là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản, sản xuất muối.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các trường hợp sau đây theo Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: - Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; - Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; - Sơ chế nhỏ lẻ; - Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; - Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; - Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; - Nhà hàng trong khách sạn; - Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; - Kinh doanh thức ăn đường phố; - Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Ngoài các trường hợp trên, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện các trình tự, thủ tục sau đây: - Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật An toan thực phẩm 2010; - Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; - Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; - Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; - Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý, bảo quản nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng; bảo hộ lao động và phòng thay bảo hộ lao động; thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; - Có đầy đủ các quy định vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh công nhân; - Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; - Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; - Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ảnh: Lớp tập huấn kiến thức ATTP do cán bộ Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT phổ biến, giảng dạy
Thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Thành phần hồ sơ: a- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT); b- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT); c- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; d- Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp; đ- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Đối với thành phần hồ sơ quy định tại các điểm c, d và đ cơ sở gửi khi nộp hồ sơ hoặc cung cấp cho Đoàn thẩm định khi đến thẩm định thực tế tại cơ sở.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ liên quan, cơ sở nộp hồ sơ theo các phương thức sau:
Cơ sở nộp trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, địa chỉ số 16, đường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Lưu ý:Người đến nộp hồ sơ phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, đối với trường hợp nộp hồ sơ hộ (thay) ngoài giấy tờ trên người nộp hồ sơ phải xuất trình giấy ủy quyền/giấy giới thiệu đối với tổ chức.
Trong thời hạn 13 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở; trường hợp chưa đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xếp loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản xếp loại A hoặc B. - Loại A (tốt): Áp dụng đối với cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. - Loại B (đạt): Áp dụng đối với các cơ sở cơ bản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; vẫn còn một số sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm. - Loại C (không đạt): Áp dụng đối với các cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong quá trình thẩm định, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc lấy mẫu kiểm nghiệm; việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện khi nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm; hoặc tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm đối với cơ sở có dự kiến kết quả xếp loại C. Việc chỉ định chỉ tiêu phân tích dựa trên đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm và tập trung vào nội dung thẩm định đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu theo quy định. Việc lấy mẫu, phân tích mẫu được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Ảnh: Đoàn thẩm định ATTP Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT đang thẩm định điều kiện ATTP tại cơ sở sản xuất nem