Nâng cao năng lực chế biến cho các HTX nông nghiệp

Thứ ba - 24/09/2024 05:18 125 0
Nâng cao năng lực chế biến cho các HTX nông nghiệp
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có khoảng 70% hàng nông sản của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cung cấp ra thị trường ở dạng thô. Điều này không chỉ cho thấy năng lực chế biến của HTX còn hạn chế mà còn là rào cản trong việc nâng cao giá trị nông sản và tiếp cận thị trường quốc tế.
Đóng gói sản phẩm sau chế biến sâu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành.
Đóng gói sản phẩm sau chế biến sâu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, việc sản xuất thô chỉ tạo 15%-20% giá trị, phần giá trị còn lại nằm ở những khâu chế biến, thương mại... Vì vậy, sản xuất tuần hoàn, chế biến sâu là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế cho mặt hàng nông sản của các HTX thì ngoài đất đai còn là vấn đề về vốn và trình độ áp dụng khoa học-công nghệ của xã viên HTX...

Gia tăng giá trị nông sản

Những ngày này, không khí sản xuất tại nhà xưởng của HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đang rất rộn ràng. Từ một cơ sở nhỏ năm nào, giờ đây Tân Thành đã trở thành một trong những HTX đi đầu trong xây dựng chuỗi liên kết và chế biến sâu sản phẩm từ củ nghệ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX cho biết: Xã Nông Thượng nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung có diện tích trồng nghệ nếp khá lớn, song việc tiêu thụ của nhiều nông dân gặp khó khăn do chưa có nhà máy chế biến củ nghệ. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy các sản phẩm từ nghệ rất tốt cho sức khỏe, tôi đã thành lập HTX Nông nghiệp Tân Thành. Đồng thời, tìm hiểu quy trình chế biến củ nghệ, mua sắm máy móc. Sản phẩm ra đời đã được người tiêu dùng đón nhận nhưng số lượng còn ít do HTX thiếu nguồn lực để đầu tư máy móc hiện đại.

Để giải quyết vốn cho HTX Tân Thành nói riêng và tất cả các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, UBND tỉnh Bắc Kạn đã triển khai hỗ trợ cho các HTX bằng nguồn vốn từ Quỹ APIF (Quỹ đầu tư xúc tiến kinh doanh nông nghiệp). Nhận được nguồn hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng với kỳ hỗ trợ từ năm 2019 đến 2020, Tân Thành đã mua sắm trang thiết bị, máy móc sản xuất. Nhờ đó, từ 10 sản phẩm ban đầu, đến nay HTX đã có 23 sản phẩm, trong đó, hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và một bộ sản phẩm đạt chứng nhận Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Ngoài ra, vùng nguyên liệu của HTX đã đạt chuẩn hữu cơ và đã được cấp mã số vùng trồng. Kết quả này đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trồng nghệ.

Bắt tay vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng là hướng đi của HTX Nông nghiệp Phú Ngãi, xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Hiện HTX được ghi nhận là một trong năm HTX điểm của tỉnh Bến Tre, thành công trong chuyển từ bán sản phẩm lúa thô cho doanh nghiệp sang sản phẩm chuyên sâu và trực tiếp bán sản phẩm gạo đến tay người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được thành lập năm 2016, ban đầu HTX Nông nghiệp Phú Ngãi có 22 thành viên cùng số tiền góp vốn của các thành viên chỉ 6,3 triệu đồng. Hoạt động của HTX chủ yếu trồng lúa và hoa màu nhưng đầu ra không ổn định. Đến năm 2019, sau khi HTX củng cố lại, số thành viên đã tăng lên 101 với số tiền góp vốn được hơn 500 triệu đồng, sản xuất khoảng 100 ha lúa và 22 ha rau màu. Trong đó, có 40 ha sản xuất lúa hữu cơ có ký hợp đồng với doanh nghiệp. Từ năm 2023, HTX chuyển sang sản xuất lúa đặc sản với giống ST25 theo quy trình khép kín, xay xát, đóng gói, hút chân không, cung ứng đến tận tay người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Nông dân Hồ Văn Trường, thành viên góp vốn 10 triệu đồng vào HTX Nông nghiệp Phú Ngãi, đang canh tác 8 ha lúa cho biết, ông rất phấn khởi khi lợi nhuận tăng lên hơn hai lần so với cách làm truyền thống trước đây. Theo ông Trường, khi tham gia sản xuất lúa theo chuẩn hữu cơ được HTX hỗ trợ 100% lúa giống, 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuyên suốt mùa vụ. Các dịch vụ khác như: Thuê nhân công cấy cũng được giảm 50% và bao tiêu sản phẩm làm ra, cho nên lợi nhuận của thành viên HTX đều cao hơn rất nhiều.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngãi Mai Văn Kháng cho biết: “Hiện tại, HTX thu mua lúa của thành viên với giá 10.500 đồng/kg và hỗ trợ các dịch vụ nông nghiệp giá rẻ nên lợi nhuận của người dân cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt từ khi đầu tư máy móc đóng gói, hút chân không để bán gạo trực tiếp đến tay người tiêu dùng, HTX đã tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng vụ lúa 2023, sản lượng thu được của HTX đạt 45 tấn gạo, không đủ bán ra thị trường dù giá rất cạnh tranh”.

Thành công của các HTX như Tân Thành (Bắc Kạn) và Phú Ngãi (Bến Tre)... trong chiến lược phát triển chế biến chuyên sâu cho thấy, đây là hướng đi đúng và trúng của các HTX nông nghiệp hiện nay.

Hỗ trợ HTX đẩy mạnh chế biến sâu

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, trong hai năm 2022-2023, Cục đã bố trí kinh phí 3,5 tỷ đồng và phối hợp các viện, trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 21 lớp tập huấn với 1.150 lượt học viên về tập huấn phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia liên kết cho các cán bộ quản lý và thành viên nhằm nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho các HTX. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với các địa phương, hỗ trợ nguồn kinh phí, cơ sở hạ tầng để HTX nông nghiệp thực hiện tốt nhất việc chế biến sâu nông sản. Từ đó, tối đa hóa mục tiêu tăng giá trị trên một đơn vị canh tác.

Để hỗ trợ ngành nông nghiệp, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp... Đây được xem là lời giải giúp các HTX nâng cao năng lực chế biến sâu.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre Lê Hoàng Thanh cho biết thêm, để hỗ trợ HTX, địa phương đang triển khai đề tài “Phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, nhằm tăng cường năng lực phát triển kinh tế tập thể và thực hiện chương trình OCOP cho các HTX. Trong đó, mục tiêu sẽ xây dựng mô hình mẫu phát triển kinh tế tập thể HTX; xây dựng mới 20 sản phẩm OCOP cho 20 hợp tác xã; nâng cấp 7 sản phẩm OCOP đã có của HTX... Đồng thời, địa phương tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, bao bì sản phẩm cho HTX nông nghiệp, hỗ trợ HTX thiết kế mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã xác định, giai đoạn 2022-2025 hỗ trợ nguồn nhân lực cho 100 HTX có nhu cầu về lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, thời hạn hỗ trợ tối đa 36 tháng (tính đến hết ngày 31/12/2025). Song song với hỗ trợ nhân lực, Bắc Kạn tiếp tục lựa chọn, đầu tư hỗ trợ các HTX có phương án sản xuất, kinh doanh tiềm năng gắn với chuỗi giá trị. Từ năm 2022-2024, tỉnh đầu tư hơn 31 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng sản xuất cho 14 HTX điểm của tỉnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây