Nghệ An chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy chuẩn

Thứ hai - 03/04/2023 22:35 192 0
Nghệ An chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy chuẩn
(Baonghean.vn) - Nghệ An hiện có 822 cơ sở giết mổ động vật, nhưng theo quy chuẩn được của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2017, chưa có cơ sở nào đủ điều kiện giết mổ động vật tập trung.

Chỉ 170/ 822 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Nghệ An hiện có 822 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Theo quy định cũ thì vẫn có 41 cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; có cán bộ thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ).

Tuy nhiên, nếu theo quy định tại QCVN 150:2017/BNNPTNT (Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2017) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung”, thì trên địa bàn toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung nào đạt chuẩn.

Nghệ An chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy chuẩn ảnh 1

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại xã Nghi Phú (TP Vinh). Ảnh: Phú Hương

Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thì các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An không đạt chuẩn do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vị trí, khoảng cách xa khu dân cư, thẩm quyền phê duyệt… Đặc biệt, trong 822 cơ sở giết mổ động vật hiện có, chỉ 170 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Nghệ An chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy chuẩn ảnh 2

Một cơ sở giết mổ tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên đã phải dừng hoạt động do không hiệu quả. Ảnh: Phú Hương

“Việc xây dựng, phát triển và duy trì các lò giết mổ động vật tập trung rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Ngay từ năm 2012, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch, có các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả thực hiện được chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều cơ sở được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn do số lượng gia súc đưa vào giết mổ ít, không đủ chi phí để duy trì hoạt động”, ông Ngô Đức Quỳnh cho biết.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thực tế công tác giết mổ động vật trên địa bàn Nghệ An còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ người tiêu dùng cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh đàn vật nuôi. Việc thực hiện công tác giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật, lấy mẫu để xét nghiệm chưa thường xuyên.

Nghệ An chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy chuẩn ảnh 3

Gia cầm được giết mổ tại chợ với nhiều bất cập về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu - Phú Hương

Một số cơ sở mặc dù có cam kết thực hiện các nhóm chỉ tiêu để cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng còn mắc những lỗi như: Việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ, sổ sách về thông tin nguồn gốc động vật nhập về, chủ động vật, số điện thoại, tình trạng động vật… và sản phẩm động vật xuất đi còn sơ sài, không có hệ thống; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường sản xuất chưa được thực hiện định kỳ hằng tuần.

Hệ thống thu gom rác thải, phòng chống động vật gây hại chưa hoàn thiện, chủ yếu vẫn giết mổ ở sàn, chưa có giết mổ treo. Hầu hết chưa định kỳ khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia sản xuất.

Nghệ An chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy chuẩn ảnh 4

Các cơ sở giết mổ gia súc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân và công tác phòng, chống dịch trong chăn nuôi . Ảnh tư liệu Quang An

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh giết mổ khoảng trên 25.000 con gia súc, gia cầm (trâu, bò hơn 200 con, lợn trên 4.000 con, gia cầm trên 20.000 con và dê hơn 200 con). Trong đó, chỉ có chưa đầy 7.000 con được kiểm soát giết mổ. Số hộ giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều, phân tán, trong khi lực lượng cán bộ thú y quá “mỏng” gây nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn.

Theo Quyết định số 5008/ 2012 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn có khoảng 125 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đây là một chính sách quan trọng nhằm tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh chỉ có 41 cơ sở giết mổ động vật tập trung (theo quy định cũ); và theo quy định được ban hành năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chưa có cơ sở nào đủ điều kiện là Cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây