Dân số Trung Quốc hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng nông sản là rất lớn. Với 34 cửa khẩu nằm dọc biên giới Việt – Trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa hai nước.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản thực phẩm. Mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD trong năm 2023, tuy nhiên con số trên chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nước ta trong việc xuất khẩu nông sản.
Những rào cản phi thuế quan, cụ thể là những yêu cầu về chất lượng nông sản nhập khẩu của thị trường Trung Quốc rất khắt khe. Cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán, khả năng tuân thủ các quy định và điều kiện nhập khẩu của thị trường Trung Quốc cực kỳ nghiêm ngặt.
Nếu nông sản Việt Nam không đáp ứng được các quy định đề ra của thị trường Trung Quốc thì không những hàng bị trả lại mà còn có nguy cơ đánh mất niềm tin của thị trường 1,4 tỷ dân này.
Một bộ phận các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nước ta chưa kịp thay đổi tư duy để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Với lối tư duy cũ "đi buôn" đã khiến một số doanh nghiệp Việt Nam bị trả lại hàng hóa. Việt Nam đang hội nhập kinh tế, xuất khẩu nông sản, chính vì vậy, việc đáp ứng các yêu cầu, tuân thủ quy định của thị trường quốc tế là bắt buộc.
Theo ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mega A, Tổng Giám Đốc Mega A Logistic, người Việt Nam cần thay đổi tư duy để tiếp cận thị trường Trung Quốc.
“Trước kia, chúng ta sản xuất nông nghiệp, nhưng bây cần chuyển đổi thành kinh tế nông nghiệp. Một nền kinh tế nông nghiệp bền vững thì phải đạt tiêu chuẩn về giám sát vùng trồng, giám sát cơ sở đóng gói, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn về thương hiệu”, ông Long chia sẻ thêm.
Mỗi quốc gia đều có biện pháp SPS để kiểm soát hàng hóa nông sản nhập khẩu vào nước của mình và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Vừa qua, Bộ NN-PTNT, các đơn vị trực thuộc Bộ, cũng như Bộ Công thương, các ban ngành liên quan, các địa phương đang rất nỗ lực để phổ biến cập nhật cũng như hướng dẫn các quy định nhập khẩu nông sản tại thị trường Trung Quốc đến với nhà sản xuất cũng như với người dân.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT nhận định, nhà sản xuất cần phải hiểu được các quy định về kiểm soát nông sản xuất khẩu của thị trường Trung Quốc, ví dụ như mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào, kiểm soát kháng sinh rồi đến các cơ sở đóng gói. Các nhà máy sơ chế phải hiểu được các quy định về quản lý an toàn thực phẩm, như vậy chúng ta mới xuất khẩu sản phẩm sang được thị trường Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều hợp tác xã và các công ty làm về thực phẩm, chế biến các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, nền sản xuất bị phân mảnh, trải dài trên khắp lãnh thổ quốc gia. Các quy định về kho lạnh, kho khô hay container để xuất đi thị trường quốc tế cũng cần phải tuân thủ đồng nhất theo một tiêu chuẩn nhất định.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải phát triển đội tàu, đội logistics và các bên cung ứng dịch vụ đủ mạnh để tạo độ cạnh tranh nhất định khi sản phẩm từ Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc đảm bảo độ tươi ngon và giá cả phù hợp, không phát sinh thêm chi phí.
Bàn về vấn đề vận chuyển nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mega A, Tổng Giám đốc Mega A Logistics đánh giá, việc vận chuyển hay các thủ tục làm tăng giá cho sản phẩm cũng là vấn đề làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam nói riêng cũng như các sản phẩm khác đến từ Việt Nam nói chung. Chính vì vậy khâu vận chuyển hàng hóa logistics của Việt Nam cần chú trọng để đảm bảo cả chất lượng cũng như giá thành sản phẩm tốt nhất.
Bên cạnh đó, Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Qua đó, doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cần chuẩn bị đầy đủ chứng từ truy xuất nguồn gốc nông sản, mã vùng trồng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao bì mẫu mã để phù hợp với tiêu chí của thị trường 1,4 tỷ dân này.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/
Ý kiến bạn đọc