Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Nghệ An
Xây dựng thương hiệu nông nghiệp CNC ở Nghệ An
Thứ năm - 28/03/2024 23:342140
Hành trình xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của Nghệ An Sơn Thuận- 13/01/2024 10:43 Nghệ An hiện là địa phương thu hút nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sức lan tỏa, tạo dấu ấn. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút các dự án, Nghệ An sẽ hình thành 2 hành lang phát triển lĩnh vực này dọc theo đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 48A. TIN LIÊN QUAN
Trang trại nuôi bò sữa áp dụng công nghệ Israel của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An)
Khẳng định thương hiệu Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn ở vùng Bắc Trung bộ, với hơn 1,4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, gần 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, do đó ngành nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh hỗ trợ nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản, thì việc từng bước áp dụng, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ là giải pháp tốt nhất cho ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tiềm năng to lớn trong phát triển nông nghiệp, Nghệ An đã từng bước hình thành một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, như bò sữa, nuôi tôm, một số cây công nghiệp và cây ăn quả tại các huyện có tiềm năng vùng trung du và các huyện miền Tây Nghệ An. Khu vực miền Tây Nghệ An, với độ che phủ rừng lớn, có nhiều tiềm năng về khai thác, chế biến gỗ, dược liệu dưới tán rừng... Đề cập nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, ông Phạm Chí Kiên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) cho rằng, lợi thế của Nghĩa Đàn là đất đai và nòng cốt vẫn là là hệ sinh thái của Tập đoàn TH. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài việc thường xuyên đón các lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm, đây cũng là địa chỉ để các đoàn, lãnh đạo các địa phương có điều kiện diện tích tương tự về tìm hiểu, nắm bắt mô hình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nghệ An quy hoạch xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn, với diện tích khoảng 200 ha; Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại huyện Nghi Lộc và huyện Đô Lương, với tổng diện tích khoảng 618 ha. Ba địa phương gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm huyện Hưng Nguyên, thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn. Theo Bí thư huyện Nghĩa Đàn, nơi đây là trung tâm sản xuất sản phẩm từ sữa không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nga và sản lượng sữa thường không đủ cung cấp cho thị trường… Cùng với hệ sinh thái TH True Milk tại huyện Nghĩa Đàn, Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết, ngày 14/6/2019, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dược liệu Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) chính thức được xây dựng. Đến tháng 9/2022, Tập đoàn TH ra mắt bộ sản phẩm trà thảo dược túi lọc TH true HERBAL được sản xuất tại nhà máy đạt chứng nhận ISO 22000:2018 về sản xuất trà khô, gia công và đóng gói trà túi lọc với dây chuyền đóng gói túi lọc hoàn toàn tự động, hiện đại nhất hiện nay (nhập khẩu từ Italy). Anh hùng Lao động Thái Hương cho rằng, thành công với mô hình tại Nghệ An là cơ sở để Tập đoàn tiếp tục làm thử ở các vùng khác. Trước mắt, Tập đoàn TH đang trồng 500 ha sầu riêng ở Kon Tum và sẽ làm mạnh mẽ ở Đắk Nông và một số khu vực ở Tây Nguyên. Bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho hay, giai đoạn vừa qua, tỉnh đã thu hút được một số dự án nông nghiệp của các nhà đầu tư lớn và tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Các dự án tiêu biểu như Dự án Chăn nuôi và Chế biến sữa quy mô công nghiệp tập trung TH (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD), Dự án Trồng rau và hoa trong nhà kính (vốn đầu tư 2.423 tỷ đồng), Dự án Nhà máy gỗ Nghệ An (vốn đầu tư 1.896 tỷ đồng), Nhà máy Sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên (vốn đầu tư 1.177 tỷ đồng). Đây là chuỗi dự án do Ngân hàng Bắc Á tài trợ tín dụng và vốn đầu tư. Tập đoàn Mavin (Australia) đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi MavinAustFeed Nghệ An với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng; Dự án Trung tâm giống heo hạt nhân công nghệ cao tại huyện Anh Sơn (tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng); Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ (viên nén sinh khối) 240.000 tấn tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, đến tháng 9/2023, địa phương có tổng diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao trên 31.000 ha; trong đó, diện tích hoạt động trồng trọt trên 30.600 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 462,7 ha. Giá trị sản xuất bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn TH, Vinamilk Nghệ An, Tổng công ty cổ phần VTNN Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH Mía đường Nasu… Đây là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An có 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Công ty Nafood Group là doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; các doanh nghiệp còn lại, gồm Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, Trang trại bò sữa Vinamlik Nghệ An, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin, Công ty Mía đường Nasu do UBND tỉnh này công nhận. Về lâm nghiệp, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Nghệ An (Quyết định số 509/QĐ-TTg). Đây là một trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ và là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập sớm nhất trên cả nước. Mục tiêu của khu là đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. “Xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung bộ và khu vực miền Trung. Tỉnh đang trong quá trình lập phê duyệt quy hoạch và thực hiện các bước tiếp theo để thu hút đầu tư vào khu này” , bà Nhung chia sẻ. Hai hành lang phát triển Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng về Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 5 ngành, lĩnh vực trụ cột của tỉnh Nghệ An. Theo nội dung của 2 văn bản trên, tỉnh Nghệ An được định hướng tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế. Trong đó, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu. Bà Võ Thị Nhung khẳng định: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tốt nhất để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh Nghệ An”. Theo bà Nhung, để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, tỉnh Nghệ An tập trung thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ triển khai khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút đầu tư. Địa phương tiếp tục triển khai các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, Vinamilk; các dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành...; trồng cam, dược liệu ở các huyện Quỳ Hợp, Kỳ Sơn... “Định hướng xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn tạo đòn bẩy cho việc hình thành Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đề cập. Song hành, tỉnh Nghệ An thúc đẩy thu hút các nhà máy chế biến nông - lâm sản gắn liền với việc phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao. Trong 5 nhóm giải pháp định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An thông tin, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng công nghệ cao liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến. Đại diện sở này nhấn mạnh, tỉnh Nghê An “lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất”.