(Baonghean.vn)- Nghệ An có trên 113 sản phẩm đã hết hạn được công nhận là sản phẩm OCOP, nhưng đến nay mới có 38 sản phẩm đã được tổ chức đánh giá công nhận lại, nhiều sản phẩm mặc dù hết hạn nhưng vẫn dán logo OCOP lưu thông trên thị trường.
Sản phẩm OCOP hết hạn vẫn dán logo bán trên thị trường
Tại một HTX ở huyện Nam Đàn, sau hơn 5 năm thực hiện sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP, đến nay, đã có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; nhiều sản phẩm của HTX đã có mặt tại các cửa hàng bán sản phẩm OCOP ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như vươn ra nhiều tỉnh bạn. Trong số đó, có 3 sản phẩm của HTX đã hết thời hạn được chứng nhận là sản phẩm OCOP, gồm trà Liên Tu, trà ướp gạo sen và trà Bạch Liên Nữ Vương.
Theo Giám đốc hợp tác xã, thì mặc dù hợp tác xã đã làm hồ sơ thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận cho 2 sản phẩm hết hạn từ năm 2023, nhưng đến nay chưa được giải quyết, trong khi có thể sản phẩm vẫn còn lưu thông trên thị trường.
Tại các cửa hàng bán sản phẩm OCOP ở số 72 đường Nguyễn Thị Minh Khai và số 22 đường Lê Hồng Phong (thành phố Vinh), có phong phú mặt hàng. Chị Võ Thị Thúy ở phường Lê Lợi (thành phố Vinh) chia sẻ: “Tôi vẫn thường mua sản phẩm OCOP để dùng trong gia đình vì tin tưởng khi có sự thẩm định của cơ quan Nhà nước, nhưng thường chỉ xem hạn sử dụng chứ không để ý tem nhãn OCOP đã hết hạn hay chưa”.
Không chỉ khách hàng, ngay cả những người bán cũng rất mơ hồ về vấn đề này. Nhân viên bán hàng tại cửa hàng ở đường Lê Hồng Phong cho hay: “Sản phẩm bán tại cửa hàng được cung cấp bởi các chủ thể, chúng tôi chỉ bán hàng chứ không biết tem nhãn OCOP còn thời hạn hay không”.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hiện nay, Nghệ An đã có 567 sản phẩm đạt OCOP. Chương trình OCOP đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị hàng hóa.
Là một trong những địa phương nằm ở “tốp đầu” của tỉnh về xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay, huyện Nam Đàn có 69 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, có 18 sản phẩm đã hết thời hạn 36 tháng theo chứng nhận tại Quyết định số 159/UBND ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh, gồm gạo lứt rong biển, trà Liên Tu, trà ướp gạo sen, giò me Châu Hường, giò me Minh Hiền, giò me Đức Tuấn, tinh bột sắn dây…
Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đàn cho biết: Việc đăng ký, đánh giá lại sản phẩm OCOP khá khó khăn. Ngày 18/12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 5098/TB-SNN-PTNT về việc thông báo hết thời hạn Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được công nhận tại Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh. Huyện đã gửi thông báo này đến các chủ thể và yêu cầu tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị, chủ thể OCOP hết thời hạn Giấy chứng nhận chưa nộp hồ sơ để đánh giá lại.
UBND huyện Nam Đàn đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo đến các chủ thể có sản phẩm hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP, đồng thời, tuyên truyền, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 để được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam (logo OCOP có gắn sao) theo quy định.
Huyện Nam Đàn cũng thông báo đến các chủ thể có sản phẩm hết thời hạn 36 tháng nhưng không đề xuất đánh giá công nhận lại hoặc đánh giá lại không đạt theo quy định thì không được sử dụng logo OCOP và Chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý. Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trước ngày 20/4/2024 để tổng hợp và tổ chức đánh giá lại sản phẩm...
Cần chấn chỉnh, tăng cường quản lý
Theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, hiện Nghệ An đã có trên 113 sản phẩm OCOP có giấy chứng nhận không còn giá trị, nhưng đến nay mới có 38 sản phẩm, nghĩa là chưa đầy 30%, được tổ chức đánh giá công nhận lại. Một số chủ thể không muốn công nhận lại sản phẩm do nguồn nguyên liệu không còn như cũ, số lượng hàng và vấn đề thị trường…
Theo quy định, những sản phẩm OCOP đã hết thời hạn 36 tháng mà chưa được đánh giá công nhận lại sẽ không được sử dụng logo OCOP khi lưu hành trên thị trường, tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra trong thời gian qua mà hầu như chưa có động thái chấn chỉnh của cơ quan chức năng.
Tháng 10/2023, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá lại các sản phẩm đã được công nhận quá 36 tháng, trường hợp đánh giá lại không đạt hoặc các chủ thể có sản phẩm đã hết hạn không đề xuất đánh giá lại thì báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP, tem nhãn, mẫu mã, bao bì và kiên quyết xử lý, cung cấp thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối và cơ quan quản lý thị trường đối với những chủ thể OCOP cố tình sử dụng không đúng quy định.
Để khắc phục tình trạng trên, cần có sự chủ trì, khâu nối, phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh, hướng dẫn các chủ thể khắc phục hạn chế, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn cho các chủ thể nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành, thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Về phía các chủ thể, cần chủ động hơn trong việc đăng ký lại chứng nhận OCOP cho các sản phẩm hết thời hạn, nâng cao chất lượng, mẫu mã, uy tín của sản phẩm để tạo niềm tin với người tiêu dùng, tạo chỗ đứng, chiếm lĩnh thị trường.
“Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tổ chức rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, đồng thời, phải chú trọng nâng cấp sản phẩm hiện có, không chạy theo số lượng, với phương châm sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển, phấn đấu sản phẩm OCOP của tỉnh không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc các quy định về quy trình công nhận, công nhận lại”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Phùng Thành Vinh khẳng định.
Nghệ An phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao, 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); xây dựng 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://baonghean.vn/
Ý kiến bạn đọc