Chiều ngày 14/5/2024, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Thúc đẩy số hóa Ngành Nông nghiệp” với 63 tỉnh, thành cả nước
Tham dự điểm cầu tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phùng Thành Vinh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; đại diện các sở, ngành, Hội nông dân, trưởng các phòng, chi cục thuộc sở liên quan, các hợp tác xã, các công ty lĩnh vực nông nghiệp.
Điểm cầu tại Nghệ An
Theo báo cáo, Nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới. Trong gần 40 năm, trong đó có 30 đổi mới (1986 - 2024), nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,06%/ năm giai đoạn (1986 - 2016). Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn là ngành giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế. Việt Nam đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ảnh hưởng do đại dịch Covid 19, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện, tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao. Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng cao; tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 78%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD. Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đặc biệt một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị các đại biểu bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi về một số mặt chưa đạt được về tình hình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình thực tiễn và đề xuất một số giải pháp về số hóa nông nghiệp trong thời đại 4.0
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục xây dựng phát triển cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời, xây dựng và phát triển hạ tầng số để cơ sở dữ liệu có sự kết nối đồng bộ, tạo thuận lợi nhất cho nông dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin giữ vai trò là đầu mối, kết nối người dân và doanh nghiệp để cùng tham gia chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tiếp thu các ý kiến, trao đổi của các ngành, địa phương đặc biệt là ý kiến chỉ đạo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.