Do ách tắc trong tiêu thụ, sản phẩm cá nuôi lồng bè của không ít địa phương đang gặp khó với hàng nghìn tấn cá đến kỳ tiêu thụ mà vẫn “tồn” trong ao, người nuôi bị tổn thất không nhỏ.
Hiện các địa phương đang nỗ lực tìm cách tiêu thụ cá cho người nuôi. Các tổ chức đoàn thể đứng ra kết nối tiêu thụ; bán cá thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; gửi công văn đề nghị Sở Nông Nghiệp, Công thương, các huyện thành thị trong tỉnh để kết nối tiêu thụ… Tuy nhiên, với sản lượng nhiều, trong khi các loại thủy sản khác cũng đang gặp khó khăn chung nên việc tháo gỡ đầu ra cho cá hồng mỹ, cá vược vẫn còn bế tắc.
Thống kê tại huyện Nghi Lộc, toàn xã Nghi Thiết có 21 hộ nuôi cá lồng bè trên biển; Nghi Quang có 17 hộ nuôi; Cửa Lò có trên 45 hộ, chủ yếu là các loại cá như: vược, hồng Mỹ, cá chim và mú, sản lượng hàng năm lên đến 800 – 1.000 tấn cá các loại. Đây là các loại các đặc sản, có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư và chi phí thức ăn lớn; do đó, không tiêu thụ được, người dân thất thu không nhỏ. Cá lớn quá trọng lượng xuất bán, trong khi chi phí thức ăn phải trang trải hàng ngày khá lớn nên nhiều hộ nuôi đành phải cắt giảm lượng thức ăn cho cá, chỉ cho cá ăn đủ sức cầm cự. Một hộ nuôi chia sẻ, 44 lồng cá của anh phải cho ăn ngày 2 bữa/ngày, tốn đến 10 triệu tiền thức ăn; nhưng giờ cắt giảm hết, chỉ dám cho cá ăn 1 bữa/ngày, hết 5 triệu đồng, càng kéo dài càng thua lỗ. Mặt khác, cá nuôi đến kỳ thu hoạch không bán được, trọng lượng tăng, lồng chật sẽ nảy sinh dịch bệnh, hao hụt cá. Nhưng đáng lo nhất là bước vào mùa mưa bão, nếu cá không thu hoạch, không bán kịp, bão tràn vào, lồng bè bị sóng đánh trôi thì ngư dân đối mặt với nguy cơ mất trắng.
- Phòng Chế Biến, TMNS