Ngành nông nghiệp cam kết đơn giản hóa các thủ tục, minh bạch các khái niệm

Thứ năm - 05/08/2021 20:29 495 0
Ngành nông nghiệp cam kết đơn giản hóa các thủ tục, minh bạch các khái niệm
           Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ giảm nhẹ, tích hợp các thủ tục để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp chế biến.
         
Ngày 5/8, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, trong buổi thảo luận về quy định kiểm định chất lượng và kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị của Bộ phải tìm cách khơi thông nguồn lực xã hội, trong bối cảnh cả đất nước phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. 

          "Chúng ta cần có thái độ ứng xử đúng với hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng đã chỉ đạo, là cần tháo gỡ thể chế. Trong phạm vi, quyền hạn của mình, Bộ NN-PTNT cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

         Theo Bộ trưởng, Bộ NN-PTNT cần có biện pháp linh hoạt, để dung hòa giữa những yêu cầu cấp thiết của xã hội với vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Không nên tuyệt đối hóa vấn đề. Có thể điều này đúng với thực tại, nhưng chưa chắc chính xác trong vài năm nữa. Xã hội luôn luôn biến đổi, vì thế chúng ta mới cần những Thông tư, Nghị định để bổ sung, làm rõ cho Luật. Nếu chậm trễ, khi chúng ta chưa kịp làm quen với cái mới, thì đã có cái mới hơn nảy sinh”.

         Vấn đề kiểm dịch, kiểm định chất lượng sản phẩm nhập khẩu đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. Quan điểm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), là cần phân biệt rạch ròi hai khái niệm này.

        Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, kiểm dịch là dành cho các sản phẩm tươi sống, còn kiểm định an toàn thực phẩm (ATTP) là dành cho các sản phẩm đã qua chế biến.

         Ông Nam cho rằng, hiện nay Việt Nam mới thực hiện hoạt động kiểm tra ATTP các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu, chứ không phải kiểm dịch. 
 

VASEP đề xuất không kiểm dịch đối với sản phẩm động vật thủy sản chế biến chín, đóng bao bì kín khí

VASEP đề xuất không kiểm dịch đối với sản phẩm động vật thủy sản chế biến chín, đóng bao bì kín khí
           

           Ngoài VASEP, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, việc diễn giải định nghĩa sản phẩm có nguồn gốc động vật trong Luật Thú y cần làm rõ. Ví dụ, cụm từ "các sản phẩm có nguồn gốc động vật khác" sẽ được hiểu là các bộ phận của cơ thể động vật, nhưng không được nêu rõ là gân, tủy,  hay bộ phận nào. Trong khi đó, Thông tư của Bộ NN-PTNT lại ghi, bất cứ sản phẩm được sản xuất hay chế biến từ động vật đều quy thành "sản phẩm có nguồn gốc động vật".
           Những điều này dẫn đến công tác kiểm dịch các sản phẩm có nguồn gốc động vật quá rộng, nhiều lúc nằm ngoài phạm vi Luật Thú y, gây khó khăn cho Cục Thú y (Bộ NN-PTNT).
         Về các quy định về kiểm dịch, kiểm định ATTP, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, vấn đề giờ chủ yếu thuộc Cục Thú y. Ông nói: "Chúng ta cần làm rõ khái niệm thế nào là sơ chế, thế nào là chế biến sâu. Vấn đề mà ngành nông nghiệp cần làm ngay lúc này, không chỉ là giảm số lượng danh mục kiểm định, mà cần luật hóa cụ thể".       Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất hướng giải pháp, là chia hàng nhập khẩu về làm hai loại. Một, là nhập khẩu, sau đó chế biến để xuất khẩu. Hai, là hàng nhập khẩu nhưng chỉ để tiêu dùng trong nước. 
          "Kiểm dịch cần đúng là kiểm dịch, nghĩa là phải có máy móc, trang bị, và chỉ kiểm tra đúng bệnh cần  thiết, có thể gây nguy hiểm cho người. Chúng ta cần tránh, thậm chí loại bỏ việc kiểm dịch bằng trực quan. Không thể để kiểm dịch lại thành kiểm tra ATTP", Thứ trưởng bày tỏ.
          Chung quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, thủ tục kiểm dịch hiện còn quá nhiều khâu, gây chồng chéo, phức tạp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tích hợp nhiều khâu, vừa đảm bảo được các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp, tránh tình trạng "một con dấu qua nhiều cửa".
          "Thứ nhất, cái gì có thể bỏ được, thì chúng ta phải cắt giảm. Chúng ta phải đặt vào vai trò doanh nghiệp, để chia sẻ cùng họ. Thứ hai, chúng ta cần cắt tần suất, chỉ tiêu kiểm tra rườm rà, không cần thiết. Thứ ba, là tích hợp các cơ quan kiểm định với nhau. Thứ tư, là giảm nhẹ thủ tục hành chính", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
        Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng ý với các đề xuất của các Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Nguyễn Hoàng Hiệp. Thông qua kinh nghiệm đàm phán của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh với Mỹ, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế làm rõ các khái niệm, và trả lời rõ những câu hỏi của VASEP và AmCham đặt ra.
        "Mục tiêu của kiểm định ATTP, kiểm dịch là không để phát sinh những hệ lụy về sức khỏe cho con người, cũng như các dịch bệnh nguy hiểm. Đó không phải nhiệm vụ riêng của Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, hay một đơn vị nào. Chúng ta cần nghiên cứu, tạo ra một đầu mối kiểm tra, kiểm soát, tránh kiểm tra chồng kiểm tra. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cam kết đơn giản hóa các thủ tục và minh bạch các khái niệm", Bộ trưởng khẳng định.
         Lấy ví dụ về việc triển khai chứng chỉ VietGAP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin các quy định về kiểm định, kiểm dịch hàng nhập khẩu sẽ giảm dần theo thời gian, nếu chất lượng được bảo đảm. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, cần có thái độ thiện chí, cầu thị với các Hiệp hội ngành hàng, vì một nền nông nghiệp Việt Nam có trách nhiệm và bền vững.

Phòng Quản lý chất lượng (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây