CÔNG TÁC KIỂM SOÁT DƯ LƯỢNG CÁC CHẤT ĐỘC HẠI TRONG THỦY SẢN VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NUÔI NĂM 2020 VÀ NHIỆM VỤ NĂM 2021 TẠI NGHỆ AN

Thứ năm - 08/07/2021 22:48 600 0
     Ở Việt Nam, Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi đã được thiết lập thực hiện từ tháng 9/1999. Chương trình dư lượng này đã được Uỷ ban Châu Âu đánh giá và công nhận góp phần quan trọng vào việc xem xét công nhận Việt Nam vào danh sách nhóm 1 các nước xuất khẩu thuỷ sản vào EU. Cục Quản Thực phẩm và dược phẩm Hoa kỳ (USFDA) cũng chấp nhận kết quả của Chương trình dư lượng để kiểm soát mối nguy hoá học trong HACCP của doanh nghiệp.
     Tại Nghệ An, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi từ tháng 05/2012 đến nay với tổng cộng lượng mẫu là 488 mẫu trên 02 đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng và cá rô phi.
     Thực hiện Hợp đồng số 09/QLCL-HĐTKCM ngày 23/7/2020 giữa Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An về việc thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT,
     Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020 đảm bảo nghiêm túc, đúng thời gian và kế hoạch đề ra.
     Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Chi cục thực hiện giám sát tại 02 đối tượng nuôi là Tôm thẻ chân trắng và Cá rô phi tại 04 vùng nuôi thủy sản trọng điểm là: vùng nuôi Quỳnh Lưu-Hoàng Mai (mã số: 40/01); Diễn Châu (mã số: 40/02); Nghi Lộc-Cửa Lò (mã số: 40/03); Vinh (mã số: 40/04).
Trong năm 2020, từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An đã triển khai lấy 50 mẫu thủy sản nuôi trên địa bàn bao gồm 12 mẫu cá rô phi và 38 mẫu tôm thẻ chân trắng, đạt 100% kế hoạch của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
     Công tác lấy mẫu kiểm soát dư lượng thủy sản tại Chi cục Quản lý chất lượng do các cán bộ được đào tạo về lấy mẫu và thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu theo đúng quy trình kỹ thuật quy định tại Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT và Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản.
     Các chỉ tiêu phân tích giám sát gồm: Các dẫn xuất của Nitrofuran, Nhóm Tetracyclines, Nhóm Sulfonamide, Nhóm Quinolones, Nhóm B3a thuốc trừ sâu gốc Chlor hữu cơ, Nhóm B3c kim loại nặng, Diethylstilbestrol, Nhóm các thuốc trừ giun sán, ký sinh trùng (Trifluralin, Praziquantel), Nhóm các thuốc nhuộm B3e, Nhóm A3: Methyltestosteron, Nhóm B3d độc tố nấm: Aflatoxin, Trimethoprim…
     Kết quả kiểm mẫu năm 2020 do Chi cục thực hiện 45/50  mẫu đạt yêu cầu, không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; có 05/50 mẫu phát hiện dư lượng nhóm B3c nằm trong giới hạn cho phép (cơ sở nuôi tôm Nguyễn Hữu Nam, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu: Pb 0,030 µg/kg và Hg 0,010 µg/kg; cơ sở nuôi tôm Nguyễn Văn Đức, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu: Hg 0,009 µg/kg; cơ sở nuôi tôm Nguyễn Thị Hương, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu:  Pb 0,043 µg/kg và Hg 0,008 µg/kg; cơ sở nuôi tôm Bạch Sỹ Nam, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu Pb 0,037 µg/kg và Hg 0,016 µg/kg ; cơ sở nuôi cá rô phi Nguyễn Văn Hà: Hg 0,005 µg/kg).
    Kết quả phân tích mẫu này được Chi cục định kỳ hàng tháng gửi thông báo đến các chủ cơ sở nuôi và đến chính quyền các địa phương có vùng nuôi trồng thủy sản được lấy mẫu.
Bên cạnh hoạt động lấy mẫu các đối tượng nuôi thủy sản, Chi cục thường xuyên thực hiện hoạt động giám sát các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.    Công tác giám sát vùng nuôi của Chi cục thực hiện và báo cáo về Cục từ tháng 05/2020-06/2020 với các chỉ tiêu: giám sát đối tượng, diện tích và sản lượng nuôi; Hình thức nuôi; Thời điểm thả giống và thu hoạch; Bệnh đã gặp và tác động đến thủy sản nuôi; Các loại thức ăn, chất xử lý môi trường, thuốc thú y đã sử dụng (tên, thành phần chính, mục đích sử dụng, cách dùng nơi cung cấp); Hoạt động xửao đầm, cấp thoát nước và ảnh hưởng các nguồn xả thải.
     Hoạt động giám sát các vùng nuôi do Chi cục cử cán bộ trực tiếp đi giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản và phối hợp với các cơ quan như: Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng Nông nghiệp và PTNT/phòng Kinh tế các huyện, thành, thị có liên quan.
     Ngoài những kết quả đã đạt được và những thuận lợi trong công tac triển khai nhiệm vụ năm 2020 thì công tác thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản nuôi của Chi cục còn gặp khó khăn như sau:
     Xuất phát từ nguyên nhân chủ quan: Dự toán kinh phí mua mẫu quá thấp so với giá cả thị trường là khó khăn cho cán bộ Chi cục thuyết phục người dân đồng ý việc bán mẫu; Hợp đồng thuê khoán không có kinh phí giám sát vùng nuôi nên hoạt động giám sát gặp nhiều hạn chế;
     Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan đến từ vấn đề tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng của tỉnh Nghệ An trong những năm qua diễn biến phức tạp nên người nuôi tôm lo ngại việc lấy mẫu trực tiếp tại hồ nuôi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nuôi, đặc biệt là mẫu dư lượng của tháng 5 là giai đoạn mới bắt đầu thả vụ nuôi mới.
     Chương trình dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi năm 2021 của Chi cục được phê duyệt tại Công văn số 236/QLCL-CL1 ngày 03/3/2021 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản về việc triển khai chương trình giám sát an toàn thực phẩm 2021 khu vực Bắc Bộ.
     Năm 2021, Chi cục được phê duyệt tiếp tục giám sát và lấy 44 mẫu bao gồm 10 mẫu cá rô phi và 34 mẫu tôm thẻ tại 04 vùng nuôi thủy sản trọng điểm là: vùng nuôi Quỳnh Lưu-Hoàng Mai (mã số: 40/01); Diễn Châu (mã số: 40/02); Nghi Lộc-Cửa Lò (mã số: 40/03); Vinh (mã số: 40/04).
     Để thực hiện tốt Chương trình kiểm soát dư lượng trong năm 2021, Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An thấy cần phải:
- Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn và các quy định mới về giám sát dư lượng trong thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản nuôi cho cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình.
- Hỗ trợ kinh phí tập huấn, tuyên truyền cho người dân về Chương trình kiểm soát dư lượng để nâng cao ý thức người dân trong nuôi trồng thủy sản.
 - Nghiên cứu tăng dự toán chi phí mua mẫu, tăng số lượng mẫu để tương xứng với sản lượng và diện tích nuôi, đặc biệt là mẫu tôm thẻ để phù hợp với tình hình thực tế và bổ sung kinh phí giám sát hàng tháng để chi trả cho cán bộ thực hiện việc đi thu thập thông tin vùng nuôi để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ giám sát được đầy đủ hơn./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay11,774
  • Tháng hiện tại326,440
  • Tổng lượt truy cập8,951,505
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây