Cây dược liệu, tiềm năng còn bỏ ngỏ ở Nghệ An

Thứ năm - 07/12/2023 20:31 185 0
Cây dược liệu, tiềm năng còn bỏ ngỏ ở Nghệ An
Có tiềm năng cây dược liệu đứng hàng đầu cả nước, song việc khai thác tiềm năng này ở Nghệ An vẫn còn rất hạn chế.

Cây trồng tiềm năng

Với gần 1.000 loài cây dược liệu quý hiếm, Nghệ An có nguồn dược liệu phong phú vào loại nhất cả nước, được phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... Những năm qua, việc trồng, chế biến cây dược liệu đã dần trở thành hướng đi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở các huyện miền núi, nhất là vùng núi cao.

Nhân viên Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) thu hái cây dược liệu. Ảnh: Đào Tuấn.

Nhân viên Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) thu hái cây dược liệu. Ảnh: Đào Tuấn.

Ông Lữ Văn Tiệp ở bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) cho biết: Gia đình ông là một trong hai hộ trong bản trồng 5ha cây chè dây từ tháng 8/2022. Loài cây này phát triển rất nhanh, có thể ươm giống hoặc gieo hạt và chỉ sau 4 tháng đã cho thu hoạch. Bình quân 15kg chè dây tươi sấy hoặc phơi khô được 1kg chè dây khô, giá bán hiện nay 250.000 đồng/kg, mỗi tuần gia đình ông thu về 1 triệu đồng. Chè dây chỉ cần thu hái về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi đóng gói nên ai cùng làm được, kể cả các cháu nhỏ.

Ông Pay Văn Bảy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Yên Tĩnh cho biết: Qua khảo sát, trên diện tích rừng tự nhiên do xã quản lý đều có cây chè dây mọc phân tán. Trước đây do chưa biết được công dụng của cây chè này trong việc phòng và điều trị các bệnh về tiêu hóa (dạ dày, tá tràng...), xương khớp, an thần, thanh nhiệt, giải độc... nên chẳng ai quan tâm.

Hiện nay, UBND xã đã có kế hoạch khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển cây chè dây thành sản phẩm đặc biệt của địa phương. Thấy rõ tác dụng và hiệu quả nên bà con dân bản đã chuyển đối nhiều diện tích đất gieo trồng các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây chè dây, cho thu nhập cao.

Tại xã Yên Hòa (huyện Tương Dương) hiện có 10ha cây dược liệu được trồng tập trung ở 4 bản, gồm bản Coọc, Yên Hợp, Yên Đình và Yên Tân. Trong số 10ha nói trên, có 3ha cây chè hoa vàng, 7ha cây khôi nhung. Theo y học cổ truyền, lá cây khôi nhung có tác dụng điều trị bệnh đau dạ dày, kiểm soát các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, chướng bụng...

Cánh đồng cà gai leo tại thôn 2-9, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn.

Cánh đồng cà gai leo tại thôn 2-9, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn.

Ông Lê Văn Thìn – Bí thư chi bộ bản Coọc cho biết, khi xã có chủ trương phát triển cây dược liệu, dân bản rất hưởng ứng. Riêng cây khôi nhung có thể trồng xen dưới tán rừng, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch nhanh. Giá bán mỗi kg lá khôi nhung tươi từ 20.000 - 30.000 đồng tùy chất lượng lá, 180.000 - 200.000 đồng/kg lá khôi nhung khô. Như vậy, bình quân 1ha cây khôi nhung cho thu nhập trên 40 triệu đồng/lần thu hoạch, mỗi năm cho thu hái 3 lần, mang lại thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng.

Tại huyện Con Cuông, những năm gần đây, người dân đã có phong trào trồng và chế biến cây dược liệu. Cây dược liệu là cây trồng mới, có thể trồng và cho thu hoạch quanh năm và thực sự cho thu nhập cao hơn so với nhiều loại cây khác.

Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ: Huyện đã xây dựng được vùng trồng cây dược liệu 23ha, tập trung ở các xã Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê và Thạch Ngàn với các cây như cà gai leo, thìa canh, mướp đắng rừng, đinh lăng... Toàn bộ sản phẩm người dân bán cho Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát. So với cây ngô hay cây mía trên vùng đất cao cưỡng, trồng cây dược liệu vừa ổn định, vừa cho thu nhập cao gấp 1,5 - 2 lần, chi phí đầu tư không nhiều như các cây trồng khác.

Ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn, nơi có độ cao 1.300m so với mặt biển, tại đây đã có Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống cùng hợp tác, liên kết với dân bản trồng và thu mua các loại cây dược liệu trên quy mô 136ha. Trong số các loài cây dược liệu ở vùng Mường Lống, có 12 loài dược liệu quý phát triển rất tốt ở đây như cây sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô, chè dây, chè hoa vàng...

Riêng cây sâm Puxailailong được phát hiện trên núi Puxailaileng ở độ cao 2700m. Giống sâm này được chuyên gia ngành dược đánh giá chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh ở Kon Tum. Hiện nay giống sâm này đang được nhân giống từ mô tế bào với tỉ lệ thành công trên 30%.

Có điều kiện và tiềm năng rất lớn, song việc phát triển cây dược liệu tại Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Tuấn.

Có điều kiện và tiềm năng rất lớn, song việc phát triển cây dược liệu tại Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Tuấn.

Để phát huy giá trị của cây dược liệu, năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó, đưa vào danh mục 34 nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật để bảo tồn theo từng giai đoạn.

Đến năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể cây dược liệu Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn 38 loài cây thuốc với tổng diện tích 15ha ở các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn; xây dựng vùng dược liệu tập trung 14 loài, nhóm cây dược liệu với tổng diện tích 905ha tại 11 huyện, thị ở miền núi.

Sau nhiều năm xây dựng mô hình, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ra đời nhiều sản phẩm dược liệu vừa có giá trị, vừa có thương hiệu trên thị trường như: Chè hoa vàng huyện Quế Phong; cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam huyện Con Cuông; đẳng sâm, khôi nhung tía ở huyện Tương Dương; sâm 7 lá 1 hoa, sâm Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn; sâm thổ hào ở huyện Thanh Chương...

Chưa có liên kết từ sản xuất, chế biến sâu

Cây dược liệu thực sự đem lại nguồn thu nhập khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều người dân trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An.

Nhưng điều đáng băn khoăn hiện nay chính là việc nhiều địa phương đang có tình trạng “mạnh ai nấy chạy”, đua nhau trồng dược liệu, dễ dẫn đến phát triển ồ ạt, có cây trồng nhiều, có cây trồng ít, khiến sản phẩm cây dược liệu mất giá, khó tiêu thụ như đã gặp phải ở cây cam, cây chè... những năm trước đây.

Hiện Nghệ An đã có một số đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến cây dược liệu, song quy mô còn nhỏ. Ảnh: Đào Tuấn.

Hiện Nghệ An đã có một số đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến cây dược liệu, song quy mô còn nhỏ. Ảnh: Đào Tuấn.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tương Dương chia sẻ: Mừng là người dân đã trồng được nhiều loài cây dược liệu, nhưng băn khoăn nhất hiện nay là các sản phẩm cây dược liệu sau khi thu hoạch về được phơi khô, sơ chế... nhưng chỉ bán được cho các thương lái và bán lẻ ở các chợ với số lượng không nhiều chứ chưa có doanh nghiệp nào đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Nếu tình trạng này kéo dài, e rằng người dân sẽ dè chừng khi bàn về chủ trương mở rộng phát triển cây dược liệu ở huyện nhà.

Ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) cho biết, hiện nay doanh nghiệp mới liên kết được với 100 hộ dân ở các xã trong huyện để tạo vùng nguyên liệu, chưa thể mở rộng quy mô diện tích sang nhiều địa phương khác bởi nhiều nguyên nhân.

Vườn cây dược liệu của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường (xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, Qùy Hợp, Nghệ An). Ảnh: Phương Anh.

Vườn cây dược liệu của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường (xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, Qùy Hợp, Nghệ An). Ảnh: Phương Anh.

Theo ông Diện, để sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cây dược liệu thật sự bền vững, điều quan trọng nhất là phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người dân thông qua tổ chức trung gian như hợp tác xã, tổ, đội sản xuất... Nhưng, việc liên kết này hiện còn rất lỏng lẻo, dễ gây ra tình trạng làm ra nhiều quá có khi thừa ế, khó tiêu thụ; ít thì tranh nhau mua... Chừng nào còn tình trạng này thì cả doanh nghiệp và người dân đều không an tâm trong sản xuất, do tính ổn định, tính bền vững không đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở KH-CN và bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An đều cho rằng, điều bất cập hiện nay là thiếu sự liên kết chặt chẽ trong việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu cũng như việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu. Thậm chí, quy hoạch vùng trồng cây dược liệu quy mô bao nhiêu ha, ở địa phương nào, trồng những loại cây gì... có huyện làm được, có huyện chưa làm.

Trồng cây bách bộ dưới tán rừng ở xã Yên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An). Ảnh: Phương Anh.

Trồng cây bách bộ dưới tán rừng ở xã Yên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An). Ảnh: Phương Anh.

Vì vậy, không thể tránh khỏi tình trạng trùng loài, thừa cây này, thiếu cây khác... Việc phát triển cây dược liệu trước mắt cũng như lâu dài, điều đặc biệt quan trọng là đầu ra vẫn chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để có thể bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân. Việc xây dựng hệ thống nhà máy chế biến, đặt nhà máy ở đâu cũng là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Hiện Sở KH-CN và Sở NN-PTNT Nghệ An chủ yếu giúp các địa phương và nông dân trong việc quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế... Còn muốn có hướng đi bền vững thì phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân trồng cây dược liệu và cần có sự liên kết giữa các ngành như kế hoạch đầu tư, y tế, công thương, du lịch... để từ đó hình thành và phát triển chuỗi giá trị của cây dược liệu thật sự ổn định và bền vững.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung Video có phù hợp không

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay15,217
  • Tháng hiện tại375,927
  • Tổng lượt truy cập9,000,992
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây